Báo cáo tài chính quý II cho thấy, nhiều ngân hàng công bố lợi nhuận tăng trưởng khả quan. Bên cạnh đó, cũng nổi lên một vấn đề đáng lo ngại đó là nợ xấu đang quay trở lại.
Cụ thể, theo thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý II năm 2022 của gần 30 ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các nhà băng đến thời điểm cuối tháng 6 năm 2022 tăng 0,3 điểm % so với cuối năm trước lên 2,21%.
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2022 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán: VPB) thể hiện, thời điểm giữa năm 2022, VPBank cho vay khách hàng đạt mức 392.504 tỷ đồng.
Trong đó, số dư nợ xấu của ngân hàng là 20.623 tỷ đồng, tăng 21,3% so với đầu năm 2022, tỷ lệ nợ xấu tăng lên mức 5,25%. VPB cũng đang phải đối diện với tình trạng nợ có khả năng mất vốn đạt mức 4.970 tỷ đồng, tăng 58 % so với hồi đầu năm. Nợ nhóm 4 đạt mức 9.091 tỷ đồng, tăng 17,2%. VPBank đã lập dự phòng rủi ro cho vay khách hàng với khoản tiền hơn 12.500 tỷ đồng. VPBank hiện đang đứng trong “top” dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu.
Trong khi đó, kết thúc quýII năm 2022, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank, mã chứng khoán: MBB) ghi nhận dư nợ cho vay ở mức 415.456 tỷ đồng, tăng mạnh so với hồi đầu năm. Trong đó, cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản ở mức hơn 18.500 tỷ đồng, chiếm 4,46% tổng dư nợ cho vay.
Đáng chú ý, nợ xấu tăng tới 34,4 % so với thời điểm đầu năm, lên mức 4.974 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng tới 55 % so với nửa năm trước, đạt mức 1.826 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của MBB từ 0,9% (đầu năm) lên mức 1,2% vào thời điểm 30.6.2022.
Trong kỳ kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ghi nhận gần 60.000 tỷ đồng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự từ hoạt động cho vay. Thu nhập lãi thuần Agribank ghi nhận về trong kỳ bán niên này đạt gần 27.900 tỷ, tăng hơn 7%. Sau 6 tháng, Agribank ghi nhận hơn 37.000 tỷ đồng tổng thu nhập, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù lợi nhuận đều tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nhưng vấn đề nợ xấu đang khiến Agribank phải "đau đầu". Dù không phải ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống nhưng Agribank hiện đang là ngân hàng có lượng tiền gửi của khách hàng cao nhất. Về chất lượng cho vay của ngân hàng này, tính đến cuối tháng 6/2022, trong số gần 1,4 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay khách hàng, số dư nợ xấu (nhóm 3 - 5) chiếm gần 30.000 tỷ, tăng 22% so với đầu năm và chiếm 2,15% tổng dư nợ.
Phần lớn nợ xấu của Agribank hiện nay là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) với số dư gần 19.400 tỷ, chiếm 65% tổng số dư nợ xấu.
Tình trạng này cũng xảy ACB. Tại thời điểm ngày 30/6/2022, ngân hàng ACB có tổng dư nợ cho vay hơn 392.191 tỷ đồng. Về chất lượng, nợ xấu của ACB tăng mạnh chủ yếu đến từ việc nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng hơn 59% so với cùng kỳ và chiếm tới 73% tổng nợ xấu (2.998,2 tỷ đồng). Nợ xấu tăng lên khá cao, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng chung hơn 9% (khoảng 236 tỷ đồng) lên mức 2.924 tỷ đồng.
Phần nợ xấu gây nhiều chú ý trong báo cáo tài chính quý II/2022 vừa được Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân (NCB) công bố. Trong khi phần lớn ngân hàng đều kiểm soát nợ xấu dưới 3% thì với tỉ lệ này tại NCB nhảy vọt lên 11%, tức cứ 100 đồng thì có 11 đồng là nợ xấu.
Tính đến hết tháng 6/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng của NCB tăng lên gần 44.355 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn của NCB tăng từ mức 600 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ đồng lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng hơn 140% và lên 1.130 tỷ đồng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế cũng như của doanh nghiệp, người dân có thể sẽ bộc lộ rõ nét hơn trong thời gian tới.
Kết quả kinh doanh của hệ thống các tổ chức tín dụng được cải thiện, song kết quả này có được chủ yếu là do các tổ chức tín dụng nỗ lực tiết giảm chi phí, đẩy mạnh tăng trưởng từ các mảng hoạt động dịch vụ.
Ngân Hàng Nhà nước đưa ra khuyến cáo đối với các tổ chức tín dụng trong thời gian tới có thể gặp khó khăn trong việc xử lý các khoản nợ xấu nói chung, nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 nói riêng và dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng.