Quảng cáo #128

Bài học từ nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới

Là một quốc gia nhỏ bé, với diện tích chỉ 22.000 km2 và đang đứng trước mối nguy cạn kiệt dần nguồn nước ngọt nhưng Israel được tôn vinh là một quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại bậc nhất thế giới.
cong-nghe-cao-1698716499.jpg
Tưới tiêu ở Israel.

Trong giai đoạn ngắn, Israel đã chuyển từ tình trạng thiếu nước, thiếu lương thực đến tự túc lương thực, thực phẩm và trong 5 năm gần đây giá trị sản xuất nông nghiệp luôn vượt con số 3,5 tỉ USD/năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 20%. Với định hướng kinh doanh nông nghiệp theo thị trường: “thị trường quyết định sản xuất và công nghệ làm ra sản phẩm”, Israel đã tạo ra một nền nông nghiệp với các phương pháp, hệ thống và những sản phẩm nông nghiệp hiện đại trên phần diện tích với hơn một nửa là sa mạc.

Chìa khoá thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Israel là sự hợp tác chặt chẽ của “4 nhà”: nhà nghiên cứu, cán bộ khuyến nông, nông dân và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính vì vậy, mọi khó khăn đều có thể khắc phục. Thông tin phát sinh trên đồng ruộng ngay lập tức được chuyển đến cho các nhà khoa học và ngược lại, nếu có kỹ thuật khoa học tiên tiến nào thì người nông dân đều nhanh chóng được tiếp cận và phổ cập rộng rãi.

Ngày càng có nhiều thiết bị hiện đại ứng dụng trên đồng ruộng Israel như hệ thống tái sử dụng nguồn nước, công nghệ tạo ẩm cho các vùng đất canh tác khô cằn, công nghệ biến đổi gen … Luôn đi đầu trong ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, Israel đã trở thành một điển hình nông nghiệp của thế giới. Họ áp dụng công nghệ và cơ giới vào tất cả các khâu có thể, từ khâu làm đất, gieo trồng cho đến khâu thu hái và bảo quản sau thu hoạch.

Khâu vườn ươm: Các khay xốp được đưa tuần tự qua dây chuyền để vào đất và gieo hạt giống. Sau đó đưa ra vườn ươm để thử khả năng đồng đều của hạt giống. Tại Israel, đa số người nông dân chỉ trồng cây con được mua từ các công ty giống mà không trực tiếp trồng bằng hạt.

Khâu gieo trồng: Israel là quốc gia rất phát triển về hệ thống màn phủ, bạt dùng trong sản xuất nông nghiệp. Do đó đã phát triển nhiều loại nhà lưới, nhà màng với nhiều cấu trúc khác nhau, tùy theo từng loại cây trồng và nhu cầu sử dụng (chống bụi, chống bức xạ, hoặc giữ nhiệt cho đất…). Ví dụ như nhà phủ nilông (greenhouse) dùng trồng ớt, dưa leo, cà chua…, hay nhà dạng đường hầm lớn (walk-in tunnels) dùng trồng dưa lưới…, hay dạng phủ thấp (low tunnels) dùng trồng dâu tây… Bên cạnh đó cũng có dạng trồng ngoài đồng (open field) thường đối với các loại rau ăn củ như khoai tây, khoai lang, củ dền… Mọi cánh đồng đều được cày xới, rạch hàng bằng máy với kích thước nhất định để thuận tiện cho việc gieo trồng, tưới phân và thu hoạch bằng cơ giới về sau. Tuy nhiên xây dựng hệ thống nhà lưới như Israel cần đầu tư rất lớn, vì vậy khó phổ biến đại trà trong điều kiện của Việt Nam.

Hệ thống tưới tiêu: do đặc thù thiếu nguồn nước ngọt nên Israel rất phát triển hệ thống tưới tiết kiệm nước: tùy từng mô hình, từng nhu cầu tưới mà ứng dụng các linh kiện (tưới thẳng, bán nguyệt, xoay tròn…) và cách tưới thích hợp (tưới nhỏ giọt, tưới phun sương...) Hệ thống tưới này kết hợp bón phân cho cây được quản lý tự động bằng máy tính, kết nối với máy cảm biến nhu cầu của cây nhằm tiết kiệm nước và phân bón. Độc quyền chuyên cung cấp các sản phẩm này là công ty Netafim, hiện nay đã có cơ sở tại Việt Nam.

Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch: Do hình thức sinh hoạt đặc thù của Israel góp chung ruộng đất, máy móc nên việc canh tác của các hộ gia đình đều có máy móc hỗ trợ: thu hoạch bằng máy đối với các loại rau ăn củ (cà rốt, khoai tây...), máy rửa củ quả bằng hệ thống nước nóng nhằm diệt mầm bệnh đối với các hộ nhỏ lẻ, hoặc dây chuyền xử lý, dán nhãn, phân loại của các nhà máy sơ chế, đóng gói. Sau quá trình sàng lọc bằng máy và tuyển lựa của công nhân, trái cây tiếp tục được chuyển qua dây chuyền dán nhãn và phân loại, đóng hộp thành phẩm. Sau đó, tùy vào việc nông sản được xuất khẩu hay tiêu thụ nội địa mà được lưu trữ lạnh với các nhiệt độ khác nhau (100C, 50C…) nhằm làm ngưng quá trình chín của quả từ đó có thể bảo quản lâu hơn (4 tháng hoặc hơn nữa). Tất cả quá trình bảo quản này đều được tự động hóa bằng các thiết bị kết nối với máy tính.

Thực hành qui trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP): ở Israel đã áp dụng GAP từ đầu những năm 90. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào thị trường tiêu thụ mà áp dụng: nếu xuất khẩu thì sản xuất theo các tiêu chuẩn của GlobalGAP, nếu tiêu thụ nội địa thì chỉ áp dụng các qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm và qui định về dư lượng thuốc BVTV. Bên cạnh đó là các chương trình khuyến nông quốc gia nhằm đảm bảo cho người nông dân ý thức được sự cần thiết của việc an toàn trong sản xuất nông nghiệp. Sản xuất rau quả hoàn toàn hữu cơ cũng đã được áp dụng rộng rãi ở Israel. Trồng trọt hoàn toàn không sử dụng thuốc BVTV mà chỉ áp dụng các biện pháp đấu tranh sinh học như: dùng nhện ăn mồi diệt ấu trùng rệp sáp, ong kí sinh đẻ trứng vào ấu trùng rầy mềm và dòi đục lá…

Nước ta, vốn là một nước nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi có nguồn nước và lượng mưa dồi dào, tuy nhiên quá nhiều nước cũng gây ra hiện tượng ngập úng cho cây và cũng tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển. Vì vậy trong tương lai gần, nông nghiệp nước ta có thể áp dụng hệ thống tưới tiêu kết hợp bón phân (fertigation) nhằm cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cây đồng thời cũng tiết kiệm phân bón. Hoặc có thể xây dựng các nhà phủ dạng đường hầm lớn (walk-in tunnels) - không quá tốn kém, kết hợp với hệ thống thông gió nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các yếu tố môi trường và mầm bệnh cho cây trồng.

Bên cạnh đó nghiên cứu thêm về đấu tranh sinh học và các loài thiên địch trong tự nhiên để áp dụng phòng trừ sâu bệnh hại trên đồng ruộng nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc BVTV trên rau quả. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức và thái độ tận tâm của mỗi người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng nền nông nghiệp nước nhà, như vậy mong ước về một nền nông nghiệp sạch và an toàn sẽ không còn là quá xa vời. Bài học từ Israel có thể giúp chúng ta rút ngắn giai đoạn phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Ngô Thông (t/h)