Bắc Ninh ưu tiên xây dựng mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị

Ngày 26/10, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu kinh tế tập thể và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.
kac-ninh-bieu-duong-cac-tap-the-ca-nhan-hop-1635299369.jpg
Ban tổ chức khen thưởng các tập thể và cá nhân hợp tác xã tiêu biểu. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, hiện toàn tỉnh có 218 tổ hợp tác, 1 Liên hiệp Hợp tác xã và khoảng 690 hợp tác xã, với doanh thu bình quân đạt 870 triệu đồng/năm/hợp tác xã, tạo thu nhập 60 triệu đồng/năm/thành viên. Nhìn chung, khu vực hợp tác xã có bước phát triển khá, số lượng hợp tác xã tăng theo từng năm, phát triển trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Các hợp tác xã hỗ trợ kinh tế hộ thành viên, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên và người lao động, đặc biệt số lượng hợp tác nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị ngày càng gia tăng, đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững.

Ông Vương Quốc Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những mặt tích cực, hiện nay, khu vực hợp tác xã đa số có quy mô thành viên nhỏ, năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ công nghệ lạc hậu, khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường. Một số hợp tác xã thực hiện đăng ký lại còn hình thức, phương thức hoạt động không thay đổi, hoạt động sản xuất kinh doanh thụ động, chưa đáp ứng được các quy định của Luật Hợp tác năm 2012...

Chia sẻ về những khó khăn của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho rằng, kinh tế tập thể phát triển tuy nhiên số lượng hợp tác xã nông nghiệp hoạt động chưa ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Mặc dù, chính sách hỗ trợ hợp tác xã ban hành nhiều nhưng thiếu nguồn lực để thực hiện, rất ít hợp tác xã tiếp cận được các chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất…

Bên cạnh đó, số hợp tác xã nông nghiệp tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn ít. Đơn cử, năm 2020, chỉ có 4 hợp tác xã tham gia với 5 sản phẩm và năm 2021 có 9 hợp tác xã đăng ký với 28 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Để nâng cao chất lượng hoạt động cũng như phát huy vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, theo ông Đặng Trần Trung, thời gian tới, tỉnh tập trung xây dựng dự án mô hình điểm Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để tổng kết triển khai nhân rộng. Đồng thời, tập trung hỗ trợ các hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang khẳng định, mặc dù dịch bệnh tác động tiêu cực đến mọi mặt nền kinh tế, nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng chung của tỉnh. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quán triệt và thực hiện nghiêm văn bản chỉ đạo của Trung ương, phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng; trong đó ưu tiên xây dựng các mô hình gắn với chuỗi giá trị; tăng cường liên kết hợp tác.

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất chính sách nhằm hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực sản xuất, sức cạnh tranh và khả năng thích nghi trong bối cảnh hội nhập quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã, nhất là các mô hình điển hình để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với hợp tác xã. Đối với tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản lý theo hướng công khai, minh bạch; từng bước thực hiện chuyển đổi số; đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo vệ lợi ích của thành viên trong hợp tác xã.

Khẳng định phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới là xu thế tất yếu, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho rằng, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh cần hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đáp ứng với yêu cầu của thị trường trong nước, nhất là thị trường Hà Nội và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ đối với kinh tế tập thể, tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hợp tác xã mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế; xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi gia trị, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đổng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện ở địa phương để hỗ trợ hợp tác xã theo cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước và địa phương, đặc biệt là nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững./.