Phát biểu tại chương trình, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại những ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các Doanh nghiệp (DN) và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, DN, tổ chức xã hội cần quan tâm hơn nữa, tập trung lãnh đạo chỉ đạo tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa; hạn chế sử dụng nguồn kinh phí Nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa dùng một lần…; từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị phải đi đầu, gương mẫu trong việc chống rác thải nhựa và nói không các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Cụ thể, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với môi trường, sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.
Phát động phong trào "Chống rác thải nhựa" với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; tăng cường hợp tác về giải quyết rác thải nhựa thông qua thúc đẩy các hình thức hợp tác đối tác, hỗ trợ tiếp nhận công nghệ về quản lý, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phát triển các sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, nilon. Từng gia đình, từng người dân, với những hành động nhỏ nhất, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo các chuyên gia, chỉ một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất ít nhất 100 năm mới có thể phân hủy, một chiếc chai nhựa dù nhỏ cũng cần ít nhất gần 200 năm mới phân hủy được. Bên cạnh đó, các chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy được tái chế với tỷ lệ rất thấp, phần lớn là chôn, lấp, đốt hoặc hiên ngang nằm chờ trên những bãi rác. Một phần được thả trôi ra biển, ra đại dương, giết chết hàng nghìn loài cá và sinh vật biển. Những chất thải nhựa, túi nilon còn lại nằm ngổn ngang ở những bãi rác, gây ô nhiễm môi trường. Các hoạt động chôn lấp, đốt không thể giúp phân hủy chúng mà còn gây ra các khí thải độc ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Để khắc phục vấn đề rác thải nhựa tại Việt nam, cần có lộ trình, giải pháp thu hút đầu tư và công nghệ các lĩnh vực: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, tăng cường khả năng tái sử dụng, tái chế các thành phần rác thải nhựa: Sử dụng vật liệu thay thế túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; công nghệ tái chế rác thải túi nilon, rác thải nhựa.