Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trong việc thẩm định quy hoạch chi tiết, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, tham gia ý kiến chấp thuận dự án thứ cấp. Sở Công Thương tỉnh thường xuyên nắm bắt thông tin, kết quả triển khai; kiểm điểm tiến độ các cụm công nghiệp để tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các chủ đầu tư, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng các cụm công nghiệp.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố ở tỉnh cần thực hiện tốt tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu và đồng thuận với các chính sách của Đảng và Nhà nước về thu hồi đất đai phục vụ phát triển công nghiệp, sẵn sang kê khai, kiểm kê và giao lại đất cho Nhà nước.
Ngoài ra, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền cấp huyện, cấp xã đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Các chủ đầu tư triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng tiến độ đã được phê duyệt; báo cáo kịp thời những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ...
Tỉnh Bắc Giang hiện đã thành lập 45 cụm công nghiệp với diện tích hơn 1.700 ha. Hiện đã có 28 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích hơn 730 ha, thu hút được trên 180 dự án đầu tư với vốn đăng ký đạt trên 32.700 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 66% (chỉ tính diện tích các cụm công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng). Các cụm công nghiệp được quy hoạch, triển khai tại các trục, tuyến giao thông thuận lợi của tỉnh (các tuyến đường tỉnh, quốc lộ) và cơ bản trải đều trên các huyện, thành phố.
Thời gian qua, UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành đã đẩy nhanh tiến độ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là bồi thường giải phóng mặt bằng và giao đất, thuê đất. Đến nay, một số cụm công nghiệp đã giải phóng mặt bằng và triển khai gần hết phần diện tích để bàn giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật như: Tân Hưng, Việt Tiến, Nham Sơn - Yên Lư, Yên Lư, Tăng Tiến, Nội Hoàng, Thanh Vân....
Trong số này, cụm công nghiệp Tân Hưng hiện nay đã đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và đang bắt đầu thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Cụm công nghiệp Việt Tiến: chủ đầu tư đã cơ bản đầu tư hoàn thiện xong phần hạ tầng kỹ thuật và lấp đầy 80% diện tích đất công nghiệp. Cụm công nghiệp Nham Sơn – Yên Lư đến nay đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, hiện đang hoàn thiện thủ tục giao đất phần còn lại khoảng 6,7 ha; hạ tầng cơ bản cũng đã được đầu tư hoàn thiện khoảng 95%. Cụm công nghiệp Yên Lư đã cơ bản bồi thường xong toàn bộ phần diện tích của cụm công nghiệp, còn lại khoảng 2,5 ha đang giải phóng nốt, hạ tầng cũng đã được đầu tư xong khoảng 90% khối lượng công việc.
Các cụm công nghiệp Tăng Tiến, Nội Hoàng, Thanh Vân đã được bồi thường gần hết diện tích của cụm, chỉ còn lại khoảng 1 đến 2 ha; hạ tầng cơ bản đã và đang được đầu tư đồng bộ.
Như vậy, hiện tại có 7 cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành tiến độ; còn lại 18/25 cụm công nghiệp chậm tiến độ so với Kế hoạch số 1721/KH-UBND ngày 23/4/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang và cần được tiếp tục đôn đốc triển khai thực hiện.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang Trần Quang Tấn, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn là chậm bồi thường giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, quá trình lập, thẩm định hồ sơ về quy hoạch chi tiết, đánh giá tác động môi trường một số cụm công nghiệp cũng chậm, dẫn đến kéo dài thời gian triển khai thực hiện các bước sau. Một số cụm công nghiệp có những nội dung vướng mắc nhưng đến nay chưa có chuyển biến nhiều trong tháo gỡ khó khăn, giải quyết như Nội Hoàng, Yên Lư, Mỹ An, Hương Sơn…/.