Thái Nguyên rà soát điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp vào quy hoạch

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập 7 cụm công nghiệp tại các huyện, thành, thị trên địa bàn. Điều đặc biệt là tất cả các cụm công nghiệp này đều có chủ  đầu tư hạ tầng với tổng số vốn đăng ký gần 3.200 tỷ đồng.

Như vậy, hiện tại, tỉnh Thái Nguyên đã có 35 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch trên 1.300 ha; trong đó, 18 cụm công nghiệp có chủ đầu tư hạ tầng với diện tích trên 700 ha, tổng số vốn đầu tư tại các cụm công nghiệp đạt trên 6000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy bình quân của các cụm công nghiệp ở Thái Nguyên đạt khoảng 50%, thu hút hơn 70 dự án đầu tư và đang tạo việc làm cho gần 10.000 lao động…

vna-potal-thai-nguyen-diem-sang-trong-thu-hut-dau-tu-5704675-1-1634183703.jpg

Dây truyền sản xuất camerra của công ty TNHH Sunny Opotech tại khu cn Yên Bình

Thái Nguyên ( Ảnh Hoàng Nguyên- TTXVN)

 

Để đáp ứng nhu cầu đầu tư vào các cụm công nghiệp của các doanh nghiệp, các chủ đầu tư, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các cấp, ngành liên quan và chính quyền địa phương rà soát để điều chỉnh, bổ sung các cụm công nghiệp vào quy hoạch. Trong quá trình sàng lọc, nhiều cụm công nghiệp đã được đưa ra khỏi quy hoạch hoặc điều chỉnh giảm diện tích. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cụm công nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Theo quy hoạch mới được điều chỉnh này, tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch 5 cụm công nghiệp với diện tích hơn 200 ha, đồng thời bổ sung một số cụm công nghiệp mới với diện tích trên 350 ha tại khu vực phía Nam của tỉnh; trong đó, có nhiều cụm công nghiệp có địa thế, vị trí thuận lợi để kết nối với các khu công nghiệp tập trung của tỉnh như: Thượng Đình, Hạnh Phúc (huyện Phú Bình),  Minh Đức 1, Tân Phú 1 và Tân Phú 2 (Thị xã Phổ Yên), Lương Sơn (Thành phố Sông Công)... 

Mới đây nhất, trong tháng 10/2021, Sở Công Thương Thái Nguyên cũng trình UBND tỉnh xem xét bãi bỏ chủ trương đầu tư Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hà Thượng, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ và Dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2, xã Sơn Cẩm, Thành phố Thái Nguyên để chuyển đổi hình thức đầu tư từ công sang đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách. 

Theo ông Phan Bá Trường, Phó giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên, hiện 2 dự án trên đã thực hiện xong công tác lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và các công việc khác thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Nhưng, do chính sách về đất đai có sự thay đổi, nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế không có khả năng cân đối, nguồn vốn ứng trước của các nhà đầu tư thứ cấp không thực hiện được, nguồn vốn huy động hợp pháp khác không có. Do đó, chủ đầu tư sẽ không có khả năng kinh phí để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Để có đủ nguồn vốn đầu tư triển khai thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hà Thượng và Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2 cần thực hiện chuyển hình thức đầu tư công sang hình thức đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua việc mời gọi, lựa chọn doanh nghiệp, nhà đầu tư mới có đủ năng lực để tiếp tục triển khai thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Cụm công nghiệp Hà Thượng và Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2 theo quyết định thành lập và quy hoạch chi tiết đã phê duyệt... 

Với chủ trương kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp, thời gian gần đây, tại Thái Nguyên đã có thêm nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tài chính đầu tư và phát triển hạ tầng cụm công nghiệp như: Tập đoàn Saigontel, Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG, Công ty cổ phần đầu tư quốc tế THAGACO...

Việc ngày càng có nhiều nhà đầu tư đề nghị thực hiện dự án về phát triển hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn không chỉ khẳng định Thái Nguyên tiếp tục là "điểm đến" hấp dẫn của các nhà đầu tư, mà còn góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.../.

Hoàng Thảo Nguyên