Bắc Giang phân bổ gần 2,5 tỷ đồng vốn trồng, chăm sóc rừng đợt 1

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định số 332/QĐ-UBND về việc phân bổ vốn trồng rừng thay thế từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (đợt 1) năm 2024 cho các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền là hơn 2,491 tỷ đồng.
trong-moi-rung-1712727260.jpg
Khuyến khích người dân trồng mới, chuyển hóa diện tích rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. Ảnh minh họa

Trong quyết định nêu rõ, tổng số tiền phân bổ (đợt 1) thực hiện trồng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng năm 2024 là 2.491.751.000 đồng (Hai tỷ, bốn trăm chín mươi mốt triệu, bảy trăm năm mươi mốt nghìn đồng). Trong đó, phân bổ hơn 1,1 tỷ đồng cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn thực hiện trồng rừng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ năm 2024 (đợt 1); phân bổ gần 1,4 tỷ đồng để thực hiện chăm sóc rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được trồng từ năm 2022 - 2024 cho các đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn, Hạt Kiểm lâm Tân Việt Hòa, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ.

Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Giang căn cứ kế hoạch vốn được giao, yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị được giao vốn có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trồng, chăm sóc rừng trồng phòng hộ, đặc dụng theo đúng quy định, đảm bảo đúng tiến độ và hoàn thành kế hoạch.

trong-rung-1712727260.jpg
Bắc Giang luôn dành phần vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để áp dụng các biện pháp thâm canh rừng và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Ảnh minh họa

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Động, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cấm Sơn; Ban Quản lý khu du lịch sinh thái Suối Mỡ; Hạt Kiểm lâm Tân Việt Hòa triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong những năm qua, Bắc Giang đã thực hiện tốt cơ cấu 3 loại rừng theo Quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ diện tích rừng hiện có, đặc biệt là diện tích trên 55.000 ha rừng tự nhiên; bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng, phòng hộ; đồng thời, ổn định vùng rừng nguyên liệu tập trung khoảng 80 nghìn ha (chiếm 74% tổng diện tích đất rừng sản xuất) góp phần ổn định kinh tế, chính trị, xã hội vùng miền núi của tỉnh./.

Trần Quỳnh