Anh nông dân Thủ đô trồng hoa hồng thu lợi nhuận 1 tỷ đồng/năm/ha

Ngày 22/03/2023, tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội), ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam có buổi làm việc tại UBND xã Mê Linh và tham quan mô hình trồng hoa hồng cảnh, hồng thế hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Trần Ngọc Ánh tại nơi đây.

Năm 1995, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) có 2ha trồng hoa thì đến 2023 cả xã đã có tổng 400 ha, trong đó, tỷ lệ trồng hoa hồng chiếm phần lớn do hiệu quả kinh tế cao của loài hoa này mang lại.

ong-d1-1679565423.jpg
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tham quan mô hình trồng hoa hồng đầu chậu.

Tiêu biểu là mô hình trồng hoa hồng đầu chậu, hoa hồng cảnh, hoa hồng cổ, hoa hồng thế của anh Trần Ngọc Ánh ( 39 tuổi, Mê Linh, Hà Nội). Lợi nhuận sau trừ chi phí 1 ha canh tác lên đến hơn 1 tỷ/năm.

Được biết, không thuận lợi như một số hộ khác, anh Ánh phải thuê toàn bộ diện tích 1 hecta đất canh tác trong 6 năm với giá 600 triệu đồng. Để triển khai trồng hoa hồng đầu chậu anh đầu tư cao gấp 5 đến 10 lần trồng hoa hồng thương phẩm (hoa cắt bông để bán). Với chi phí trồng 1 sào hồng thương phẩm hết 10 triệu thì hồng đầu chậu phải ngốn 100 triệu đồng.

d2-1679565494.jpg
Anh Trần Ngọc Ánh, 39 tuổi, chủ mô hình trồng hoa hồng đầu chậu, hoa hồng ảnh tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Mê Linh, Hà Nội).

Anh Ánh cho biết, mô hình trồng hoa hồng đầu chậu cũng có nhiều thuận lợi như: Dễ chăm sóc, không lo về thời tiết, sâu bệnh. Mặc dù, ngày nào cũng phải tưới nước nhưng vườn có lắp hệ thống tưới tự động, phân hữu cơ thì tự ủ được gồm ốc và cá ủ thêm bón cho cây rất tốt. Không lo hàng tồn vì nếu có hàng tồn lứa này để lứa sau bán, tỷ lệ an toàn khá cao cho người đầu tư.

Sản phẩm hoa hồng của nhà vườn gồm nhiều loại và màu sắc khác nhau, có giá từ 100 nghìn đồng đến 100 triệu đồng/khóm. Nhưng mang lại doanh số ổn định thường đến từ nhóm sản phẩm có phân khúc giá rẻ 100 nghìn, 300 nghìn và 500 nghìn đồng. Ngoài các đầu mối thu mua hoa hồng đã thiết lập, anh Ánh còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội để quảng bá, cộng tác bán hàng cùng đội ngũ các bạn trẻ qua các ứng dụng như: TikTok, Livestream Face đã đem lại hiệu quả kinh doanh cho nhà vườn. Mở ra cơ hội phát triển mạnh đến mọi đối tượng khách hàng yêu hoa trên toàn quốc. “Doanh số năm ngoái vườn đạt 3 tỷ, năm nay, cũng tầm khoảng đấy. Mỗi năm mạnh mẽ đầu tư 2 tỷ lợi nhuận trừ chi phí đi lãi 1 tỷ là tối thiểu. Chúng tôi chỉ mong sao có thêm đất để canh tác ”, anh Trần Ngọc Ánh chia sẻ.

Hiện nay, vườn hồng cảnh, hồng thế của anh Ánh đem lại việc làm ổn định cho 7 xã viên với mức thu nhập trung bình 9 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, lao động có kỹ thuật (thợ ghép) lương được trả công rất cao đến 1-2 triệu đồng/ngày công.

d3-1679565565.jpg
Lao động có kỹ thuật (thợ ghép) có mức lương rất cao từ 1-2 triệu đồng/ngày công.

Sau hơn 10 năm huyện Mê Linh triển khai chương trình xây dựng Nông thôn mới, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã đổi thay từng ngày với cơ sở hạ tầng khang trang, đời sống nhân dân càng ngày càng khấm khá. Gia đình anh Trần Ngọc Ánh là một tấm gương điển hình trong số đó về làm giàu ở nông thôn, xây dựng Nông thôn mới.

d4-1679565630.jpg
Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam cho biết: “Qua mô hình này, tôi thấy rằng để tạo điều kiện cho những người trồng hoa nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung thì Thành phố nên có quy hoạch cụ thể. Đặc biệt, là quy hoạch để duy trì các hoạt động sản xuất truyền thống tập trung chuyên canh, làm sao vừa nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp vừa đảm bảo phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, gắn nông nghiệp với công nghiệp dịch vụ để tạo tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô”./.

Ngô Ngọc Tuấn