Việc giảm thuế, vốn được gọi là Thuế Hạ tầng và Phát triển Nông nghiệp (AIDC), sẽ nới rộng khoảng cách giữa thuế nhập khẩu dầu cọ thô và thuế nhập khẩu dầu cọ tinh chế, lên 8,25%, giúp các nhà lọc dầu Ấn Độ nhập khẩu dầu cọ thô ở mức rẻ hơn.
Việc cắt giảm thuế đã bắt đầu có hiệu lực vào ngày 13/2. Ông B.V. Mehta, Giám đốc điều hành Hiệp hội các công ty chiết xuất dung môi của Ấn Độ, có trụ sở tại Mumbai cho biết, Chính phủ cần tăng mức chênh lệch lên 11% để khuyến khích các nhà máy lọc dầu địa phương.
Chính phủ Ấn Độ cũng cho biết họ sẽ gia hạn lệnh giảm thuế hải quan đối với dầu ăn cho đến ngày 30/9/2022, thay vì dự kiến là hết hạn vào ngày 31/3 tới.
Ấn Độ nhập khẩu hơn 2/3 nhu cầu dầu ăn của nước này và đã phải nỗ lực kiềm chế đà tăng của giá dầu trong nước trong vài tháng qua. Nước này nhập khẩu dầu cọ chủ yếu từ các nhà sản xuất hàng đầu như Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Malaysia (Ma-lai-xi-a), trong khi các loại dầu khác, chẳng hạn như dầu đậu nành và dầu hướng dương, nhập khẩu từ Argentina (Ác-hen-ti-na), Brazil (Bra-xin), Ukraine (U-crai-na) và Nga.
Sandeep Bajoria, Giám đốc điều hành của Sunvin Group, một công ty tư vấn và môi giới dầu thực vật, cho biết nhập khẩu dầu cọ tinh luyện chiếm gần một nửa tổng lượng nhập khẩu dầu cọ của Ấn Độ trong vài tháng qua.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã yêu cầu Chính phủ thay đổi cơ cấu thuế nhập khẩu do việc mua dầu cọ tinh chế ở nước ngoài rẻ hơn dầu cọ thô do các nước sản xuất áp thuế cao hơn đối với mặt hàng này.
Chính phủ Ấn Độ trong vài tháng qua đã cố gắng kiềm chế giá dầu ăn trong nước bằng cách giảm thuế nhập khẩu, áp đặt giới hạn dự trữ và đình chỉ các giao dịch hợp đồng tương lai đối với dầu ăn và hạt có dầu./.