Doanh nghiệp thực phẩm chế biến gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường quốc tế

Tại Hội nghị Giao ban với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023, tổ chức ngày 28/2, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, dù tình hình thế giới đã có những phục hồi tích cực, tuy vậy, ngành chế biến thực phẩm được dự báo sẽ tiếp tục gặp những trở ngại về mặt vĩ mô và môi trường kinh doanh trong năm 2023.

Cụ thể, theo ông Vũ Bá Phú, với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.

mr-vu-ba-phu-1677646237.jpg
ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương)

Bên cạnh đó, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc. Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đặc biệt, xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ. “Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Liên quan đến các tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, ông Nguyễn Phú Hoà, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, thời gian qua nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam xuất hiện trên thị trường Australia như tôm, cá tra, ba sa đã được sơ chế, chế biến được bán với số lượng lớn. Tuy nhiên, Australia có tiêu chuẩn nghiêm ngặt với các mặt hàng thực phẩm chế biến; bao bì sản phẩm chú trọng đến yếu tố môi trường; xuất xứ hàng hoá cũng phải được ghi rõ ràng và nổi bật trên bao bì sản phẩm.

Do đó, đối với doanh nghiệp đang có đơn hàng chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Úc cần đảm bảo việc hàng hóa đã đáp ứng các điều kiện nhập khẩu an toàn sinh học và chuẩn bị đầy đủ tài liệu nhập khẩu tối thiểu theo quy định của Australia; đảm bảo các thùng chứa hàng hóa và thực phẩm nhập khẩu phải tuân thủ đúng yêu cầu, sạch sẽ để hạn chế các rủi ro sẽ ảnh hưởng tới tiến độ kiểm tra hàng hóa.

san-xuat-thuc-pham-1677646323.jpg
Doanh nghiệp chế biến thực phẩm muốn gia tăng doanh thu, thị phần xuất khẩu nhưng khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế. Ảnh minh họa

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Liên, Trưởng ban Kết nối doanh nghiệp, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) tại Hà Nội cho biết, hiện nay, có đơn hàng không cần giấy chứng nhận chất lượng vẫn có thể xuất khẩu, nhưng đây chỉ là con đường may rủi và không bền vững.

Tại Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, 100% sản phẩm xuất khẩu của các thành viên đều có tem truy xuất nguồn gốc, 40% là sản phẩm hữu cơ trong đó 90% có chứng nhận hữu cơ. Một số doanh nghiệp đang có sản phẩm xuất khẩu sản phẩm hữu cơ khá tốt như Vietcoco, Viethouse Organic… 50% hội viên đã và đang xuất khẩu, có doanh nghiệp đang xuất khẩu tới 20 quốc gia như Thuỷ sản Minh Phú, Thủy sản Vĩnh Hoàn…

Với các sản phẩm được coi là “sạch”, bắt buộc phải có tiêu chuẩn và công cụ chứng minh. Hiện Công cụ mà các thành viên AFT đang sử dụng là truy xuất nguồn gốc kèm theo nhật kí sản xuất điện tử, chứ không phải truy xuất bằng việc chống chế là dán một cái tem để quét QR. Tuy nhiên, khó khăn mà các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam hiện đang gặp phải là thiếu vùng nguyên liệu và yếu về năng lực chế biến. Bởi để lựa chọn nguyên liệu sạch đưa vào sản xuất, chỉ có mã số vùng trồng là chưa đủ, phải có các chứng nhận như VietGab… thì mới có thể đưa vào sản xuất chế biến. Nhưng vùng nguyên liệu của Việt Nam chưa nhiều, buộc doanh nghiệp phải mua gom từ nhiều vùng miền. Điều này làm tăng giá sản xuất, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển tăng cao.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn gia tăng doanh thu, thị phần xuất khẩu nhưng khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng quốc tế. Cụ thể, do là thành viên của Hiệp hội nhỏ nên việc đi đến triển lãm, hội chợ ở nước ngoài chưa được ngân sách hỗ trợ, chủ yếu trông chờ vào năng lực doanh nghiệp. Mà lợi nhuận của doanh nghiệp bị bào mòn bởi đại dịch, cộng thêm chi phí nguyên nhiên liệu gia tăng… dẫn đến năng lực tài chính hạn chế để tìm kiếm người mua ở nước ngoài.

Vì vậy, đại diện AFT đề xuất Bộ Công Thương thúc đẩy các hoạt động quảng bá sản phẩm, truyền thông thương hiệu thực phẩm chế biến Việt Nam. Bởi Việt Nam có nguồn nông sản đa dạng nhưng sản phẩm chế biến chưa có nhiều để "chinh phục thị trường thế giới". Hiện, đã có những sản phẩm như nước nha đam hay nước măng tây với hàm lượng kẽm, magie cao có khả năng xuất khẩu… Vì vậy nên có có ưu tiên để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hữu cơ Việt Nam.

Để quảng bá thương hiệu, sản phẩm hiệu quả, theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các thương vụ cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.

Thêm vào đó, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B. Thương vụ kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm...

Đông Nghi