Lô hàng sầu riêng xuất khẩu gồm 20 container với khoảng 360 tấn gồm giống Dona, Ri6, được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói, đã xuất sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ qua các Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Những năm qua, Đồng Nai tập trung xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất theo chuẩn thị trường xuất khẩu chất lượng cao, giá cả cạnh tranh với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Trần Lâm Sinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, để hình thành được những trái sầu riêng chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của các thị trường lớn, người nông dân cũng như các thương nhân phân phối đã phải làm việc rất vất vả trong thời gian qua. Chuyến hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch này sẽ là khởi đầu vững chắc, mở đường cho xuất khẩu sầu riêng của tỉnh Đồng Nai vươn ra thế giới.
“Thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, thị trường liên kết với nhà xuất khẩu. Chúng tôi hy vọng rằng những điều đó sẽ mang lại giá trị minh bạch, trách nhiệm cho người sản xuất, đặc biệt là mang lại niềm tin nơi người tiêu dùng, cho thấy người dân và chính quyền tỉnh Đồng Nai làm được, đáp ứng được những nhu cầu mà người tiêu dùng trên thế giới mong đợi”, ông Trần Lâm Sinh nói.
Năm 2023, tỉnh Đồng Nai dự kiến sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng với tổng diện tích 820 ha. Để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mong muốn, Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn để nâng cao giá trị sản phẩm trái cây địa phương nói chung và trái sầu riêng nói riêng trên thị trường thế giới.
Đồng thời, các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường thế giới. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nông dân để nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng tốt tiêu chuẩn thị trường thế giới.
Tại lễ xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đánh giá cao sự đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai, nhất là thực hiện tốt xây dựng các vùng chuyên canh trái cây xuất khẩu, đặc biệt là trái sầu riêng. Tuy nhiên, địa phương cần quan tâm xây dựng thương hiệu sầu riêng trên thị trường quốc tế, minh bạch về chất lượng sản phẩm.
Để đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, quả sầu riêng tươi của Việt Nam phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, nhất là ruồi đục quả Bactrocera correcta và các loài rệp sáp; đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; thực hiện đúng quy cách về đóng gói, thông tin trên bao bì để đảm bảo truy xuất nguồn gốc chính xác.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, sầu riêng là 1 trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích trên 11.345 ha, đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và đứng thứ 4 cả nước về diện tích (chỉ sau Đắk Lắk 22.458 ha, Lâm Đồng 17.719 ha và Tiền Giang 17.656 ha).
Sầu riêng Đồng Nai được trồng tập trung ở 3 huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và TP.Long Khánh. Đồng Nai đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, tỉnh có 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820 ha được cấp mã vùng trồng.