Đắk Lắk: Giá sầu riêng tăng cao, nông dân có thể bội thu "kỷ lục"

Khảo sát tại các nhà vườn tại Krông Pắk, Krông Năng, Buôn Hồ, Cư M’gar … giá đặt mua sầu riêng tại vườn đang dao động từ 65.000 - 75.000 đồng/kg quả tươi, tùy giống Dona hay Ri6 và chất lượng quả. Với việc cả giá bán và năng suất đều tăng, sầu riêng Đắk Lắk vụ 2023 này hứa hẹn mang đến cho nông dân mức thu nhập kỷ lục.

Năm nay, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, giá loại quả này đầu vụ thu hoạch tại Đắk Lắk đang cao gấp rưỡi so với năm ngoái. 

Anh Nguyễn Lê Duy, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có hơn 10 ha sầu riêng giống Dona.

Anh Duy chia sẻ, vụ trước gia đình thu được xấp xỉ 200 tấn quả tươi, với giá bán xô tại vườn là 42.000 đồng/kg, thu được 8,4 tỷ đồng. Vào vụ thu hoạch năm nay, dự tính thu nhập có thể gấp đôi vụ trước nhờ giá bán tăng cao. “Như năm ngoái, giá tầm 40.000 đồng/kg, còn hiện tại tới bây giờ giá tới 60.000 – 70.000 đồng/kg. Được giá này thì nông dân chúng tôi rất phấn khởi, bà con tích cực đầu tư, chăm sóc chất lượng cho cây sầu riêng này”, anh Nguyễn Lê Duy nói.

Cũng mừng vì sầu riêng được giá, nhưng ông Ngô Công Lương, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, lại chưa ký hợp đồng thu mua cho vườn sầu riêng 180 cây giống Dona trồng xen trong cà phê. Ông cho biết mỗi ngày có rất nhiều thương lái tới xem vườn và muốn đặt cọc thu mua toàn bộ quả sầu riêng. “Bữa nay có chỗ đặt giá 72.000 đồng/kg, và có nhiều nhà lấy tiền cọc rồi, mỗi ha họ nhận thường 400 – 500 triệu. Nhà tôi thì chưa vội, vì giá nó chưa chắc chắn, nên chưa chốt. Nghĩa là khi nào gần cắt khoảng 1 tuần thì gia đình mới chốt, khi đó ai tới mua là bán”, ông Lương chia sẻ.

tienphong-5-445-1689903523.jpeg

Ảnh minh hoạ.

Krông Pắk là vựa sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk với trên 7.100 ha, trong đó trên 3.000 ha đang cho thu hoạch. Sầu riêng tại đây chủ yếu là giống Dona và Ri6. Năng suất bình quân đạt từ 18 – 20 tấn quả tươi/ha.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pắk cho biết, năm nay thời tiết diễn biễn bất thường, thời điểm đầu vụ một số vườn sầu riêng bị rụng hoa và trái non hàng loạt. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt nên lượng quả còn lại trên cây ra đều, trái to, năng suất dự kiến vẫn đạt khá.

“Huyện Krông Pắk thì tiên lượng có một vụ mùa bội thu đối với sầu riêng. Hiện giờ bà con vẫn đang tiếp tục canh tác, và khoảng 45 ngày nữa sẽ cho thu hoạch vào vụ chính. Đầu vụ đến, UBND huyện sẽ có kế hoạch đi kiểm tra và làm công tác tuyên truyền tốt tới bà con để đảm bảo an ninh trật tự địa bàn cũng như đảm bảo tài sản của mình”, ông Nguyễn Huy Hoàng nói.

Đắk Lắk đề xuất được xuất khẩu sầu riêng trực tiếp sang Trung Quốc

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, quy định hiện nay mặt hàng sầu riêng xuất khẩu chính ngạch khi đến cửa khẩu phải dừng lại để thực hiện kiểm dịch thực vật và khai báo hải quan thì mới được đưa vào thị trường Trung Quốc. Việc này có thể gây chậm trễ dẫn đến chất lượng sầu riêng sẽ bị giảm sút.

Vì vậy, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho địa phương thực hiện các thủ tục này ngay tại cơ sở đóng gói xuất khẩu đã được cấp phép. Theo đề xuất, tỉnh Đắk Lắk sẽ thành lập trạm kiểm dịch thực vật tại địa phương để xuất khẩu trực tiếp sầu riêng sang thị trường Trung Quốc.

Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đã được cấp 49 mã vùng trồng với diện tích gần 2.000 héc ta và 17 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu chính ngạch. Đắk Lắk phấn đấu đến năm 2025, diện tích sầu riêng ổn định trên 22.000 héc ta, sản lượng trên 225.000 tấn. Địa phương tiếp tục mở rộng và duy trì diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn, cấp mã số vùng trồng đạt trên 20% diện tích.

Thi Nguyên (t/)