Yêu nên tốt, ghét nên xấu

Yêu, ghét trong nghề làm báo rất cần rạch ròi, tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bản lĩnh để yêu ghét rõ ràng phân minh.
1608-nhung-cau-danh-ngon-cuoc-song-hay-p3-1642817415.jpg
Minh họa

Cái thói thường: yêu thì nên tốt, ghét thì nên xấu, khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế, thì cư xử chắc cũng theo như thế, lúc yêu hậu bao nhiêu, thì đến lúc ghét lại bạc bấy nhiêu. Yêu nhau cau bảy bổ ba, ghét nhau cau bảy bổ ra làm mười.

Trong tác nghiệp báo chí nhiều khi người ta yêu thêm hay ghét thêm một chút, tưởng không chết ai nhưng hậu quả thật khó lường. câu chuyện từ xa xưa trong “tinh hoa cổ học” nhắc chúng ta nhiều điều.

Trước vua nước Vệ rất yêu Di Tử Hà. Cái phép nước Vệ, ai ăn trộm xe của vua thì phải tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ốm nặng, đêm khuya có người đến gọi. Di Tử Hà vội vàng lấy xe của vua về thăm mẹ. Vua biết và khen rằng: “Có hiếu thật! vì hết lòng với mẹ mà quên cả tội chặt chân”.

Lại một hôm Di Tử Hà theo vua đi chơi ở ngoài vườn, đang ăn quả đào, thấy ngọt còn một nửa đưa cho vua ăn. Vua nói: “Yêu ta thật, của đang ngon miệng mà biết nhường ta”.

Về sau, vua không có lòng yêu Di Tử Hà nữa. Một hôm, Di Tử Hà phạm lỗi, vua giận nói rằng: “Di Tử Hà trước dám thiện tiện lấy xe của ta đi, lại một bận dám cho ta ăn quả đào thừa, thực mang tội với ta đã lâu ngày”. Nói xong bắt đem đi trị tội.

Di Tử Hà ăn ở với vua trước sau vẫn vậy, thế mà trước được vua khen, sau vua bắt tội. Là chỗ tại khi yêu, khi ghét mà thôi. Lúc được vua yêu chính đáng tội lại hóa công thần; lúc phải vua ghét chính không đáng tội thì lại hóa ra bị tội.

Hàn Phi Tử (Theo Tinh hoa cổ học)

Lời bàn: Sự yêu, sự ghét thường làm cho người ta thiên vị, nhìn không rõ hẳn được cái giá trị thật của người được yêu hay bị ghét như thế nào. Không nói gì yêu người này ghét người nọ, cũng chỉ một người ấy thôi mà lúc yêu thì cho là thế này, khi ghét thì lại bảo thế kia.

Thói thường yêu nên tốt, ghét nên xấu. Khen chanh thì chanh ngọt, chê hồng thì hồng chua. Trong bụng đã thế thì cư xử ắt cũng theo thế. Lúc yêu đối xử hậu bao nhiêu, khi ghét bạc bấy nhiêu. Sự yêu, ghét cảm tính làm cho mù mờ cả lý lẫn tình và khiến người ta nhầm lẫn.

Cho nên, muốn giữ được công bình, sự yêu hay ghét phải nhìn trước, ngó sau, phải rõ cái giá trị của người được yêu và bị ghét, biết chỗ phải, cũng biết chỗ trái cho người ta mới được. Đối với nghề làm báo, thiết nghĩ cũng chẳng nên bình luận gì thêm cái sự ghét, yêu mà Hàn Phi Tử đã nêu.

Hãy đừng vì phong bao hậu hĩ hay sự đón tiếp thịnh tình hoặc giả có gì không vừa ý với cơ sở mà phản ánh sai sự thật trên công luận. Đừng vì yêu mà nhăm nhăm tìm cái tốt, ghét thì chỉ chú trọng đến cái xấu để tìm tòi, đấy là chưa kể còn cài thêm ý riêng yêu, ghét của mình.

Xem ra cứ nhìn gương công thần Di Tử Hà phân định được yêu, ghét để đối xử công bằng cũng khó lắm thay! Đành trông chờ vào lương tâm và trách nhiệm xã hội của người làm truyền thông vậy./.