Yên Mô (Ninh Bình): Duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống

Nghề sản xuất và chế biến cói, bèo xuất khẩu xuất hiện ở huyện Yên Mô từ lâu, nhưng vài năm trở lại đây các sản phẩm này được thị trường ưa chuộng nên phát triển mạnh mẽ hơn, nên nhiều làng nghề đã được khôi phục và phát triển, góp phần ổn định cuộc sống cho nhiều lao động địa phương.
hb1-1677335473.jpg
Từ làm nghề sản xuất và chế biến cói, bèo xuất khẩu trung bình mỗi ngày bà Dương Thị Tiến, xã Yên Lâm (Bên phải) thu nhập từ 130-150 nghìn đồng

Gắn bó với nghề sản xuất và chế biến cói, bèo xuất khẩu nhiều năm qua, trung bình bà Dương Thị Tiến, xã Yên Lâm hoàn thiện được 6 sản phẩm, cho thu nhập từ 130-150 nghìn đồng/ngày. Với những phụ nữ nơi đây thì làm nghề này đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Để góp phần duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống, người dân trong huyện đã năng động tìm kiếm thị trường, đưa các mặt hàng chế biến từ cói, bèo của địa phương đến với nhiều thị trường trên thế giới. Nếu như trước đây, ở các làng nghề chỉ sản xuất các mặt hàng đơn giản như: thảm, thùng đựng đồ và xuất khẩu sang các nước châu Âu, thì nay thị trường được mở rộng sang cả các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, mẫu mã liên tục thay đổi theo nhu cầu thị trường như: hộp cói, giỏ lồng đèn, bình cắm hoa, lộc bình, khay đựng các loại.

hb2-1677335513.jpg
Sản phẩm ngày càng tinh xảo được khách hàng ưa thích

Huyện Yên Mô hiện có 11 làng nghề truyền thống chuyên sản xuất cói, bèo xuất khẩu, bún bánh và 1 nghề truyền thống gốm Bồ Bát…giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 7.000 lao động nông thôn, với thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, các làng nghề đóng góp khoảng 35% giá trị sản xuất công nghiệp, TTCN toàn huyện. Để phát triển nghề truyền thống, huyện đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ hợp và HTX xây dựng thương hiệu sản phẩm, các địa phương có nghề tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể và các doanh nghiệp, HTX mở lớp dạy nghề giúp bà con tiếp cận với mẫu mã mới.

Nhu cầu của thị trường tăng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, nên thu hút ngày càng nhiều lao động tham gia, giúp nhiều gia đình có nguồn thu ổn định, cải thiện đời sống./.

Nguyễn Thụ