Tập trung khai thác sản phẩm du lịch mới
Để khai thác du lịch trên dòng sông Mã, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch xứ Thanh, ngày 11/8/2015, UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 2997/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Khai thác và phát triển tuyến du lịch Sông Mã đoạn từ Cửa Hới (TP Sầm Sơn) đến huyện Vĩnh Lộc.
Theo Đề án, giao cho Trung tâm Phát triển du lịch sông Mã (Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa) đứng ra khai thác, phát triển du lịch đường sông. Qua đó nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng đến mục tiêu xây dựng xứ Thanh thành điểm du lịch 4 mùa.
Ngoài ra, khai thác du lịch trên sông Mã còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh đôi bờ sông. Thúc đẩy các hoạt động trải nghiệm sông nước của du khách, ngắm cảnh quan ven sông, nghe và tham gia các làn điệu hò sông Mã, tham gia các hoạt động văn hóa trên sông. Đặc biệt là Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ. Qua đó, làm tiền đề để khai thác, phát triển các tuyến du lịch trên các hệ thống sông trên địa bàn tỉnh.
Tại Quyết định số 4589/QĐ-UBND ngày 25/11/2016 phê duyệt quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Theo đó, du lịch đường sông sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch trọng điểm có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa và có hệ thống hạ tầng vật chất kỹ thuật đồng bộ, chất lượng đảm bảo.
Phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông gắn liền với quá trình chuyển dịch kinh tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của các địa phương; giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cộng đồng dân cư địa phương.
Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của các yếu tố tự nhiên và văn hóa đặc trưng của các địa phương dọc các tuyến sông.
Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ đầu tư cở hạ tầng phục vụ phát triển tuyến du lịch sông Mã như bến tàu du lịch, biển nội quy đường sông tại các khu vực Cửa Hới (Sầm Sơn), Công viên Hàm Rồng và Thiền Viện Trúc Lâm (thành phố Thanh Hóa), Đền Cô Bơ (huyện Hà Trung), phát quang luồng tuyến, hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch kết nối. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch tuyến đường sông.
Tuy nhiên, sau 10 năm vận hành và khai thác, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng. Điều này không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên du lịch phong phú, mà còn ảnh hưởng đến số lượng khách tại các điểm du lịch danh thắng ven bờ.
Khó khăn ngay từ khi bắt tay
Để khai thác tuyến du lịch trên sông Mã, Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đầu tư, tu bổ các điểm dừng, nghỉ, cải tạo môi trường xung quanh. Đầu tư mua sắm 3 tàu (tàu 30, tàu 80, tàu 100 chỗ) để phục vụ du khách, giá vé giao động từ 100 nghìn đến 500 nghìn đồng/người/lượt.
Thế nhưng, đến nay việc du khách tiếp cận, trải nghiệm tuyến sông nước vẫn còn nhiều hạn chế, khách tham gia trải nghiệm chủ yếu là khách trong nước; lượng khách chưa tương xứng với tiềm năng.
Mặt khác, dù được phê duyệt khai thác du lịch trên sông Mã đoạn từ Cửa Hới (TP Sầm Sơn) đến huyện Vĩnh Lộc. Tuyên nhiên, Công ty cũng chỉ khai thác từ Hàm Rồng đến Ngã Ba Bông, nên du khách tiếp cận sản phẩm chưa nhiều.
Đại diện của Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa, ông Lê Văn Vũ cho biết: “Do đoạn cảng Hới thuộc quyền quản lý của Cảng vụ Hàng Hải, cùng với hệ thống bến đợi không có nên đến nay Công ty cũng chưa có tàu xuống đó khai thác. Mặt khác, do mực nước sông Mã cạn, dẫn đến nhiều nơi tàu không vào điểm dừng được, phải dùng tàu nhỏ để chung chuyển nên rất tốn kém và mất nhiều thời gian”.
Cũng theo ông Vũ, nếu có thể khai thác ở cảng Hới sẽ quảng bá về tour du lịch mới này cho du khách tại Sầm Sơn. Từ đó nhiều người sẽ biết đến hơn với các sản phẩm du lịch của xứ Thanh, giảm “nhiệt” cho TP. Sầm Sơn trong mùa du lịch. Ngoài ra, để vận hành được một tour du lịch trên sông cần có ít nhất 20 khách mới đảm bảo bù đắp chi phí. Trong khi hành khách đa số là các hộ gia đình, nên việc tìm ghép khách đảm bảo chuyến đi cũng đang gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn nêu trên, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã quán triệt thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật như: Bến tàu, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, đường giao thông kết nối các điểm du lịch…
Theo đó, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển các điểm, tuyến du lịch đường sông, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mua sắm tàu vận chuyển khách du lịch nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đặc biệt là khuyến khích khai thác, hình thành các tour du lịch mới kết nối với các khu du lịch trọng điểm như Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương.
Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh; các giá trị văn hóa phi vật thể, các làng nghề, hệ thống công viên, cây xanh cảnh quan, các vườn hoa cây cảnh, cây ăn trái, vườn rau công nghệ cao…dọc hai bên bờ sông, góp phần cải thiện chất lượng cảnh quan, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sự hấp dẫn, tạo trải nghiệm mới cho du khách.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch đường sông trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thông qua đoạn video clip, sổ tay, tờ rơi, các hội chợ triễn lãm và đặc biệt là tổ chức hiệu quả các đoàn doanh nghiệp lữ hành, đơn vị truyền thông, các cơ quan báo chí khảo sát nhẳm đẩy mạnh kết nối, khai thác sản phẩm dịch vụ.
Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch hấp dẫn gắn với sông nước nhằm thu hút khách du lịch; thiết kế các tuyến du lịch thích hợp, đa dạng về lịch trình để du khách có nhiều lựa chọn, tạo sự khác biệt, hấp dẫn khách du lịch.
Dòng sông Mã, trải qua hàng nghìn năm vẫn giữ cho mình một nét đẹp rất riêng, vừa mạnh mẽ vừa sâu lắng. Sông chảy đến đâu cũng tạo nên phong cảnh đẹp và nhiều danh lam thắng tích, là điều kiện để khai thác, phát triển du lịch. Việc phát triển tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” không chỉ là dịp quảng bá sản phẩm du lịch mới tới du khách gần xa, mà còn mở ra cơ hội đầu tư khai thác và phát triển điểm, tuyến du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Do đó, để khai thác có hiệu quả tuyến du lịch trên sông, sớm đưa xứ Thanh trở thành nơi du lịch trọng điểm của cả nước rất cần có sự vào cuộc từ phía Nhà nước và cả doanh nghiệp. Có như vậy, du lịch trên dòng sông Mã mới phát triển xứng tầm với tiềm năng là dòng chảy của lịch sử, văn hóa, thi ca./.