Ngoài số thương nhân này, còn có gần 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Lục Ngạn. Cơ quan chức năng huyện Lục Ngạn đang hướng dẫn số thương lái này làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Phía Bắc Giang sẽ tạo mọi điều kiện và đề nghị phía Trung Quốc xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân được xuất cảnh, đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều năm nay ước khoảng 180.000 tấn, thu hoạch trong thời gian 20/5 - 20/7. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của quả vải Bắc Giang.
Năm nay sản lượng vùng trồng dành xuất bán sang thị trường này khoảng 95.000 tấn. Tỉnh này cũng duy trì 300 cơ sở đóng gói phục vụ đủ nhu cầu xuất khẩu sang thị trường 1 tỷ dân này.
Hiện tại, Sở Công Thương Bắc Giang đã xây dựng 2 phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch Covid-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
“Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn có gần 200 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Bắc Giang. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh và phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch nên số thương nhân Trung Quốc được cấp thị thực sang thu mua vải Bắc Giang hai năm qua giảm một nửa so với trước.
Dù vậy, sản lượng vải xuất sang Trung Quốc năm 2021 vẫn đạt khoảng 85.000 tấn, chiếm trên 94% lượng vải xuất khẩu của Bắc Giang. Tổng doanh thu từ tiêu thụ hơn 210.000 tấn vải thiều các dịch vụ phụ trợ năm ngoái là hơn 6.800 tỷ đồng”, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho hay.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Giang có 16.000 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Quá trình sản xuất, thu hoạch, luôn bảo đảm sản phẩm vải thiều sạch, an toàn thực phẩm.
Được biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng năm 2022 thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục phối hợp tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, xác định thị trường xuất khẩu và thị trường trong nước đều rất quan trọng. Tập trung đưa vải thiều vào các trung tâm thương mại, chợ đầu mối lớn như Hà Nội, Ðà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai…; các nhà phân phối, hệ thống các tập đoàn bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam như Go, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart…
Xây dựng kế hoạch, phương án ứng dụng công nghệ chuyển đổi số, bán vải thiều trực tiếp đến tay người tiêu dùng thông qua các kênh thương mại điện tử; phối hợp với Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương) triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn, lazada.vn, Alibaba…
Trao đổi với Tạp chí điện tử Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang thông tin: Dự kiến ngày 25/5 tới đây, tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều của tỉnh, trong đó có Lễ cắt băng xuất hành đoàn xe vải thiều tiêu thụ và xuất khẩu tại thị trường trong và ngoài nước.
Trung Quốc đã cấp chứng nhận cho trên 300 cơ sở đóng gói đủ điều kiện cho vải thiều Bắc Giang xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Cùng đó vải thiều Bắc Giang cũng đã được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia là: Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia.