Ông Nguyễn Thế Thi, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, cùng với các thương nhân Trung Quốc, dịp này cũng có rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đăng ký đến Lục Ngạn để thu mua vải thiều.
“Huyện Lục Ngạn hỗ trợ các doanh nghiệp có những mối hàng trong nước và đầu mối ở Trung Quốc chủ động sớm mời các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam. Đến nay, tỉnh và huyện đã đề xuất 103 thương nhân Trung Quốc đã được Cục xuất nhập cảnh chấp thuận để cho các thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam tiêu thụ vải thiều tại Lục Ngạn” - ông Nguyễn Thế Thi nói.
Theo ông Nguyễn Việt Oanh - Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn, năm nay, tình hình thời tiết thuận lợi, dự báo vải thiều Bắc Giang có chất lượng tốt hơn năm trước, sản lượng toàn tỉnh ước đạt hơn 160.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn hơn 95.000 tấn. Thời gian dự kiến thu hoạch bắt đầu từ ngày 25/5 đến 30/7/2022.
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nổi tiếng trong và ngoài nước, được xuất khẩu đi nhiều thị trường, sang cả Châu Âu, Châu Úc… Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu có sản lượng lớn nhất là Trung Quốc.
Chia sẻ về phương án tiêu thụ vải thiều, ông Trần Quang Tấn - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết: Sở Công Thương đã xây dựng hai phương án tiêu thụ vải thiều. Trong đó, nếu tình hình dịch COVID-19 ổn định như hiện nay, sẽ tiêu thụ 50% thị trường nội địa, 50% số lượng còn lại xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu năm nay sẽ tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU).
Trong trường hợp Trung Quốc tiếp tục thực hiện chính sách “Zero COVID”, lượng vải xuất khẩu sẽ rút xuống còn 30% và đẩy mạnh 70% tiêu thụ tại thị trường nội địa, trong đó đẩy mạnh tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị, tập trung chế biến (sấy khô).
Được biết, ngoài 103 thương nhân nói trên, tính đến ngày 10/5, UBND huyện Lục Ngạn còn nhận được danh sách 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Hiện số người này đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn đề nghị ông Hồ Tỏa Cẩm có ý kiến để phía Trung Quốc tạo điều kiện hỗ trợ mở luồng xanh ưu tiên xuất khẩu vải thiều, mỗi ngày từ 300-500 xe qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai và Lạng Sơn; mở thêm 2 cửa khẩu phụ Chi Ma, Cổng Trắng (Lạng Sơn); kéo dài thời gian làm việc hằng ngày tại cửa khẩu đến 21h (giờ Trung Quốc).
UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị phía Trung Quốc xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện cho thương nhân được xuất cảnh, đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán, thu mua vải thiều.
Đến nay, đã có những doanh nghiệp mới ở các nước như: Liên minh châu Âu (EU) Mỹ đã đến ký hợp đồng tiêu thụ vải thiều với giá cao và sản lượng lớn hơn năm ngoái.