Xuất khẩu gỗ tăng tốc đầu năm 2024 nhưng 'biến số' toàn cầu vẫn đặt ra nhiều thách thức

Bước vào những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ có những bước tiến khả quan khi sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong tháng 1. Nhưng các chuyên gia cảnh báo vẫn còn nhiều thách thức do những bất ổn toàn cầu mang lại.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm giới thiệu Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024) diễn ra chiều 20/2 tại TP.HCM. Hội chợ kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nắm bắt được sự hồi phục đang diễn ra trên thị trường đồ gỗ, nội thất thế giới.

xuat-khau-go-01-1708475931.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm giới thiệu Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024). (Ảnh BTC)

Kỳ vọng tiếp sức cho ngành gỗ mở rộng thị trường

Hội chợ quốc tế đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA EXPO) lần thứ 15 sẽ diễn ra từ ngày 26- 29/02/2024 tại Trung tâm triển lãm hội nghị quốc tế Sky Expo Việt Nam, Công viên phần mềm Quang Trung, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.

VIFA EXPO 2024 được phối hợp tổ chức bởi Công ty Liên Minh cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh khu vực TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) và Hội vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM), cùng sự bảo trợ bởi Hiệp hội Dừa Việt Nam (VCA) và Hội Quảng cáo TP. Hồ Chí Minh (HAA).

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TP.HCM (VCCI TP.HCM), năm 2023, ngành xuất khẩu gỗ ghi nhận tăng trưởng âm. Tuy nhiên đầu tháng 1/2024, tình hình có dấu hiệu khả quan hơn khi gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu vượt mốc 1 tỷ USD và chiếm 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành này.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.HCM cho rằng bên cạnh tín hiệu tích cực trên, ngành gỗ xuất khẩu đang phải đối mặt với nhiều thách thức do xung đột giữa các quốc gia diễn biến phức tạp, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

xuat-khau-go-02-1708475962.jpg
Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP.HCM (ngồi giữa) thông tin về Hội chợ VIFA EXPO 2024 tại tọa đàm. (Ảnh BTC)

Theo ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp đang trăn trở tìm khách hàng mới và muốn sản phẩm của họ phù hợp với thị trường mục tiêu đang nhắm tới. Việc làm hàng mẫu trong ngành gỗ khó khăn, cần tỉ mỉ trau chuốt, yêu cầu cao hơn so với các mặt hàng khác. Do đó việc doanh nghiệp phối hợp với khách hàng tạo ra mẫu mã mới là cơ hội để cho ra sản phẩm có chất lượng, uy tín thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường, đây là hướng đi mạnh dạn, linh hoạt và cần thiết.

Hiện nay vấn đề cước phí của hãng tàu sang 2 thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ là Mỹ và Châu Âu bị gián đoạn khiến việc đáp ứng đơn hàng không kịp thời. Vận chuyển trục trặc khiến cước phí tăng lên, cụ thể là sang Mỹ giá cước trên 4.000 USD/container, gây khó khăn, áp lực cho doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu gỗ về chi phí đầu vào.

Để ngành gỗ vượt khó cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Nhận định trong bối cảnh hiện nay, công tác xúc tiến thương mại hết sức cần thiết, VCCI TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM), Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh tổ chức Hội chợ quốc tế đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam lần thứ 15 (VIFA EXPO 2024) nhằm góp phần kết nối doanh nghiệp trong nước với thị trường quốc tế.

Năm ngoái, hội chợ VIFA EXPO 2023 thu hút hơn 18.000 khách tham quan, trong đó có gần 6.000 khách quốc tế đến từ 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt là 80% doanh nghiệp trưng bày cho biết đã kí được hợp đồng hoặc bản ghi nhớ hợp tác, tổng giá trị giao dịch tại hội chợ khoảng 100 triệu USD.

Ông Đặng Quốc Hùng kỳ vọng hội chợ năm nay sẽ tiếp tục mở ra điểm kết nối cung – cầu cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ: "Hy vọng thông qua hội chợ này có thể tìm được những đơn hàng. Hiện nay Trung Quốc có 4 đoàn đăng ký mua hàng, có đoàn doanh nghiệp từ Pakistan, Canada… Ban tổ chức tài trợ cho các đoàn, miễn phí khách sạn, có xe đưa đón. Hy vọng sự quy tụ, mời gọi đó có thể mang lại đơn hàng cho doanh nghiệp, có đủ đơn hàng để sản xuất trong năm 2024. Đó là kỳ vọng rất lớn của chúng tôi".

xuat-khau-go-03-1708475917.jpg
Khách tham quan gian hàng tại Hội chợ VIFA EXPO 2023. (Ảnh tư liệu)

Sau 14 kỳ Hội chợ tổ chức thành công, VIFA EXPO đã kết nối hơn hàng trăm nghìn nhà nhập khẩu đến từ khắp nơi trên thế giới với các doanh nghiệp tham gia trưng bày tại Hội chợ, trở thành Hội chợ Nội thất quốc tế uy tín hàng đầu Đông Nam Á.

Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 3.500 lượt khách quốc tế đến từ 83 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham quan VIFA EXPO 2024. Đáng chú ý, bên cạnh những thị trường lớn và truyền thống của ngành gỗ Việt Nam như Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… còn có nhiều quốc gia hoàn toàn mới như Na Uy, Oman, Nepan, Ecuador, Jamaica, Iran… Điều này cho thấy sự quan tâm lớn của các nhà mua hàng quốc tế đối với ngành gỗ, nội - ngoại thất Việt Nam.

Trước đó, tại kỳ tổ chức vào tháng 3/2023, VIFA EXPO đã thu hút hơn 18.000 khách tham quan, trong đó có gần 6.000 khách quốc tế đến từ 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo ghi nhận của ban tổ chức, có tới 80% doanh nghiệp trưng bày tại hội chợ cho biết đã ký được hợp đồng, biên bản ghi nhớ ngay tại hội chợ với tổng giá trị giao dịch ghi nhận lên tới 100 triệu USD.

Thông tin về hội chợ lần này, ông Đặng Quốc Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủ công Mỹ nghệ Gỗ Liên Minh cho biết: VIFA EXPO 2024 diễn ra từ ngày 26/2 đến 29/2 tại Trung tâm triển lãm Sky EXPO Việt Nam (Công viên Phần mềm Quang Trung - TP.HCM). Có hơn 600 doanh nghiệp đăng ký tham gia gần 2.000 gian hàng trên tổng diện tích 36.000 m2. Trong đó, doanh nghiệp sản phẩm nội thất chiếm 61%, hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 8%, sản phẩm trang trí nhà cửa chiếm 19%, máy móc, phụ kiện, dịch vụ chiếm 12%. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt chiếm tỷ lệ 52%, còn lại là doanh nghiệp quốc tế./.

Bình Nguyên