Xuất khẩu gỗ và lâm sản đặt mục tiêu đạt 17,5 tỷ USD trong năm 2024

Tại Hội nghị tổng kết ngành Lâm nghiệp năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ngành Lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu là 17,5 tỷ USD để làm động lực tái cơ cấu thị trường.
go-1703992647.jpg
Năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị, ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2023, lần đầu tiên trong lĩnh vực lâm nghiệp, Việt Nam đã hoàn thành các thủ tục chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon cho Quỹ Đối tác carbon thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), với đơn giá 5 USD/tấn CO2, tương đương 51,5 triệu USD (gần 1.200 tỷ đồng).

Ông Lực cho hay, việc chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon “đánh dấu một cột mốc rất quan trọng”.

Theo thống kê, đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ cho các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%.

go-3-1703992890.jpg
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02% năm . (Ảnh minh họa)

Ngay từ tháng 2/2020, Bộ NN&PTNT và WB đã ký “Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ” giai đoạn 2018-2024. Khu vực Bắc Trung Bộ gồm 6 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hơn 3,1 triệu ha đất có rừng với độ che phủ 57,4%.

Bên cạnh kết quả đã đạt được, vẫn còn nhiều chỉ tiêu ngành lâm nghiệp trong năm qua chưa đạt được như mong muốn, trong đó có giá trị xuất khẩu lâm sản. Năm 2023, mục tiêu xuất khẩu lâm sản đạt 17,5 tỷ USD, nhưng đến nay mới chỉ đạt khoảng 14,3 tỷ USD, giảm 15,8% so với năm 2022, trong đó, nhập khẩu ước đạt 2,191 tỷ USD. Toàn ngành xuất siêu ước đạt hơn 12,1 tỷ USD.

Theo ông Lực, nguyên nhân xuất khẩu gỗ giảm là do thị trường có nhiều biến động bất ổn, bị ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine, người tiêu dùng tại thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đang thắt chặt chi tiêu đối với các sản phẩm không thiết yếu, trong đó có các sản phẩm gỗ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định, 20 năm qua chưa một năm nào giá trị xuất khẩu "tụt xuống" như năm nay, điều này càng "thôi thúc" ngành lâm nghiệp phải nhanh chóng tái cơ cấu từ thị trường, sản phẩm phụ trợ...

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho rằng, cơ cấu lại là bước cần thiết để hoàn thiện về tổ chức, từ đó quyết định thành công về chuyên môn. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn, vì vậy, ngành lâm nghiệp cần rà soát lại các chỉ tiêu năm 2024 để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thời gian tới, ngành lâm nghiệp cần tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù.

Bên cạnh đó, ngành sẽ thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội...

Cục Lâm nghiệp cho hay, năm 2024, ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD. Nếu kết quả này thực hiện được, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2024 sẽ vượt 21% so với ước thực hiện năm 2023.

Mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD

Năm 2024, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc duy trì ổn định 42,02%; tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 5,0 – 5,5%; trồng rừng tập trung 245.000ha; trồng cây phân tán 140 triệu cây; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 23 triệu m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.200 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD.

go-2-1703992769.jpg
Ngành gỗ và lâm sản sẽ tập trung phát triển thị trường theo hướng gắn sản xuất giảm phát thải. (Ảnh minh họa)

Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững theo hướng phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; bảo vệ và phát triển bền vững 100% diện tích rừng hiện có; đa dạng hóa các loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp theo hướng sản xuất xanh, bền vững, tuần hoàn.

Tăng cường quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, chú trọng khâu chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, cây bản địa, thâm canh rừng phù hợp với hệ sinh thái để nâng cao năng suất, sản lượng rừng trồng, phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn. Phát triển các hình thức liên kết, hợp tác, chia sẻ lợi ích trong chuỗi sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.

Triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đẩy mạnh triển khai dịch vụ hấp thụ, lưu giữ cácbon và phát triển nhanh thị trường tín chỉ cácbon rừng.

Thực hiện kế hoạch cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, triển khai công nhận hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và đủ điều kiện để liên thông với chứng chỉ rừng PEFC quốc tế.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng chủ động hợp tác quốc tế nhằm vận động, thu hút nguồn vốn thông qua các chương trình, dự án; phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế./.

Bảo Minh