Xứ dừa Bến Tre định hướng 'giải bài toán' khó

Vừa nỗ lực tìm đầu ra cho trái dừa, một trong 8 sản phẩm chủ lực của tỉnh, vừa lập chuỗi liên kết trong sản xuất-tiêu thụ, tỉnh Bến Tre đang tiếp tục phát triển các vùng trồng dừa hữu cơ, coi đây là giải pháp căn cơ, lâu dài trong giải bài toán mỗi khi dừa rớt giá.
1746030120173063jpg640x480-16599290768781795420506-1659955756.jpg
Nông dân xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm đang bón phân chăm sóc vườn dừa - Ảnh: Hiệp hội Dừa Bến Tre

Giá trị của chuỗi liên kết và sản xuất hữu cơ

Năm nay, người trồng dừa Bến Tre lại gặp khó khăn do giá dừa giảm mạnh so với nhiều năm trước. Theo Sở Công Thương tỉnh Bến Tre, có thời điểm giá dừa khô chỉ ở mức 25.000-30.000 đồng/chục (12 trái).

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, điều trớ trêu là dù tình hình thị trường tiêu thụ khó khăn nhưng ở hầu hết các nước, năm nay dừa đều trúng mùa. Diện tích trồng dừa của nước ta chỉ khoảng 175.000 ha, chiếm chưa đến 2% dừa thế giới nên phải chịu sự điều tiết giá của thị trường thế giới.

Trong bối cảnh đó khó khăn đó, tại Bến Tre, những vườn dừa có liên kết với doanh nghiệp (DN), do DN dẫn dắt, hỗ trợ theo chuỗi giá trị và canh tác dừa hữu cơ, việc tiêu thụ vẫn ổn định và giá bán cao hơn nhiều. Cụ thể, với khoảng 20% diện tích dừa toàn tỉnh trồng theo hướng hữu cơ được các DN, HTX thu mua với mức giá cao hơn so với dừa ngoài chuỗi liên kết như đã cam kết (khoảng 50.000 đồng/chục).

Trung tâm Khuyến nông giống và dịch vụ nông nghiệp (Sở NN&PTNT Bến Tre), cho biết hiện toàn tỉnh có hơn 16.000 ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, chiếm 20,7% tổng diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó, có hơn 9.521 ha đạt chứng nhận.

Điểm nổi bật của sản xuất hữu cơ là chất lượng nông sản được cải thiện, sản phẩm giữ được hương vị đặc trưng, đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc giúp tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng được thị trường xuất khẩu.

Sản xuất hữu cơ góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng nông sản, qua đó, nâng cao được thu nhập cho người sản xuất.

Do đó, tỉnh Bến Tre xác định đây là giải pháp tối ưu của nông nghiệp an toàn, bền vững và thật sự cần thiết trong thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Giải pháp phát triển sản xuất dừa hữu cơ

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, Sở phối hợp với các DN chế biến dừa, chính quyền địa phương, hội nông dân các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ; tập huấn nâng cao năng lực cán bộ hội nông dân về các tiêu chuẩn và kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, xây dựng thí điểm mô hình Hội Nông dân xã, Chi hội trưởng nông dân ấp quản lý vùng sản xuất dừa hữu cơ.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các DN, chính quyền địa phương tổ chức tập huấn, tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ từ phân chuồng và phụ phẩm nông nghiệp bằng vi sinh. Trong đó, ngành sẽ hỗ trợ kỹ thuật ủ và vi sinh ủ phân, nông dân đối ứng phân chuồng, mụn dừa và phụ phẩm nông nghiệp. Từ đó giảm tối đa chi phí đầu tư của nông dân cho sản xuất dừa hữu cơ.

Về chi phí quản lý vùng nguyên liệu hữu cơ và phí chứng nhận dừa hữu cơ, các DN sẽ dựa trên nhu cầu thực tế và năng lực của mình để xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phối hợp với các ngành và địa phương tuyên truyền người dân thành lập, chuyển đổi tổ hợp tác theo Nghị định số 77/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời hình thành một số tổ hợp tác theo hướng sản xuất dừa hữu cơ tại huyện Bình Đại, Giồng Trôm. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tuyên truyền việc thành lập Liên hiệp HTX Dừa tại huyện Thạnh Phú và thành lập 3 HTX tham gia chuỗi giá trị dừa.

Cùng với ngành nông nghiệp, Sở Công Thương tỉnh Bến Tre cũng vào cuộc, góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ dừa theo hướng hữu cơ.

Trong đó, trước mắt, ngành công thương phối hợp với địa phương, DN chế biến dừa nắm sản lượng dừa còn tồn đọng trong vườn và có giải pháp tăng cường thu mua hết lượng dừa tồn đọng nhằm hỗ trợ người trồng.

Ngành công thương cũng đã họp với các DN đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ trên địa bàn tỉnh để thống nhất phương án áp dụng giá sàn đối với dừa đạt chứng nhận hữu cơ là 50.000 đồng/chục.

Về lâu dài, ngành công thương tiếp tục tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi sản xuất dừa hữu cơ và chuyển giao kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ. Để giảm tối đa chi phí đầu tư vật tư cho nông dân trồng dừa, ngành sẽ hỗ trợ kỹ thuật ủ và vi sinh ủ phân, nông dân đối ứng phân chuồng, mụn dừa và phụ phẩm nông nghiệp. Cụ thể trong năm 2022, ngành công thương sẽ thực hiện 160 điểm tư vấn thực hành ủ phân hữu cơ cho 160 hộ tham gia trong chuỗi sản xuất dừa hữu cơ trong toàn tỉnh.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bến Tre, tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Bến Tre khóa X vừa qua, vấn đề liên quan đến sản phẩm dừa đã được đề cập.

Theo đó, trong số 8 sản phẩm chủ lực thì dừa là sản phẩm có tính liên kết (sản xuất-tiêu thụ) rõ nét nhất. Tuy nhiên, có thời điểm đầu ra vẫn chưa ổn định. Vì vậy, cần có thêm các HTX, tổ hợp tác làm đầu mối trong liên kết người trồng dừa theo hướng sản xuất vườn dừa hữu cơ. Qua đó xây dựng được vùng sản xuất hàng hóa tập trung cùng với việc áp dụng khoa học - công nghệ để nâng cao chất lượng trái dừa và sản phẩm từ dừa.

Kết quả bước đầu

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Bến Tre đã phối hợp với chính quyền địa phương và 8 DN chế biến, xuất khẩu dừa thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, phát triển được gần 2.891 ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên hơn 16.000 ha, chiếm 20,7% tổng diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ là 9.521,93 ha.

Bên cạnh đó, quy mô chuỗi dừa liên kết đã có 28 HTX, 32 tổ hợp tác với 5.648,6 ha dừa và 6.226 thành viên.

Về hoạt động liên kết sản xuất-tiêu thụ: Có 9/12 tổ hợp tác dừa uống nước thực hiện liên kết với DN, HTX. Sáu tháng đầu năm 2022, đã tiêu thụ được hơn 1,25 triệu trái. Chuỗi dừa công nghiệp có 15/20 tổ hợp tác và 21/28 HTX đã liên kết với các DN chế biến, trong đó có 17/21 tổ hợp tác thực hiện sơ chế dừa. Sáu tháng đầu năm đã liên kết tiêu thụ 2,745 triệu trái dừa.

Một tín hiệu vui nữa là thời gian tới, huyện Thạnh Phú sẽ thành lập Liên hiệp HTX dừa hữu cơ.

Liên hiệp HTX dừa Thạnh Phú quy tụ 7 HTX chuyên ngành dừa đang hoạt động trên địa bàn huyện với mục tiêu giúp việc sản xuất-tiêu thụ dừa ổn định, quy mô và thuận lợi hơn.

Hiện nay, chuỗi dừa trên địa bàn huyện Thạnh Phú có tổng diện tích 7.665 ha, trong đó có hơn 750 ha dừa/750 hộ trồng theo mô hình hữu cơ cho giá trị cao.

Như vậy với định hướng đúng đắn và giải pháp cụ thể cùng với kết quả bước đầu, ngành dừa Bến Tre hoàn toàn có thể vượt qua được khó khăn để phát triển bền vững trong thời gian tới.