Xây dựng thương hiệu gắn với hình ảnh quốc gia tạo vị thế trên thị trường quốc tế

Nỗ lực xây dựng thương hiệu, gìn giữ và phát triển là điều mà nhiều DN Việt đã và đang thành công. Một số thương hiệu Việt đã được định vị trên thị trường quốc tế. Song trên thực tế, hoạt động xây dựng và bảo vệ thương hiệu của các DN Việt còn đối mặt với nhiều thách thức.
thuong-hieu-quoc-gia-04-1705116662.jpg
Nhiều nông sản có lợi thế nhưng vẫn chưa khẳng định được thương hiệu.

Thương hiệu xây đã khó gìn giữ còn khó hơn

Nhằm thúc đẩy hoạt động phát triển ngoại thương với các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA, trong thời gian vừa qua công tác xúc tiến thương mại hay phát triển thương hiệu luôn được kết hợp trong các chương trình xúc tiến tổng hợp đa ngành và có quy mô lớn do các Bộ, ngành, địa phương triển khai trong nước và nước ngoài thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, các hoạt động về xúc tiến đầu tư, các hoạt động quảng bá văn hóa, du lịch…

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương làm đầu mối tham mưu, đề xuất cũng như phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức, địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam.

Thực hiện các nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã thực hiện các chương trình nòng cốt như: Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Chương trình Thương hiệu quốc gia, Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam…

Đến nay, tại nhiều thị trường quốc tế, sau những nỗ lực rất bền bỉ của doanh nghiệp đã có một số sản phẩm made in Việt Nam đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng, như Cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, dịch vụ viễn thông Viettel, ô tô Vinfast.

thuong-hieu-quoc-gia-01-1705116693.jpg
Cà phê Trung Nguyên có một hành trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Theo bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các hoạt động xúc tiến thương mại đã lan tỏa rất tích cực thương hiệu hàng hóa của Việt Nam đến với các thị trường tiềm năng, trong đó có các quốc gia thành viên CPTPP. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị phần hoặc giá trị thương hiệu ở những thị trường truyền thống, đồng thời tiếp cận và thâm nhập vào các thị trường mới.

Tuy nhiên, theo bà Trịnh Huyền Mai, giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam trên thị trường thế giới còn rất khiêm tốn. Bà Mai cho cho rằng, hiện nay các DN xuất khẩu của nước ta chủ yếu là các DN nhỏ và vừa. Hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu, hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, dạng nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài thu mua về, chế biến lại, đóng gói bao bì và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ.

“Khoảng 95% giá trị xuất khẩu nằm trong tay các tập đoàn quốc tế, các DN FDI có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng tương tự, hình thức xuất khẩu chủ yếu là gia công, giá trị gia tăng rất ít, tỉ lệ xuất khẩu qua trung gian rất cao và rất ít DN có thể xuất khẩu bằng thương hiệu riêng”, bà Mai đơn cử.

thuong-hieu-quoc-gia-02-1705116768.jpg
Việc xây dựng thương hiệu là quá trình cực kỳ tốn kém và đòi hỏi chiến lược dài hạn. (Ảnh minh họa)

Xác định việc xây dựng thương hiệu là quá trình cực kỳ tốn kém, đây cũng là một trong những nguyên nhân nhiều DN ở Việt Nam chưa có ý thức cũng như chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu. Điều này đã dẫn đến nhiều hạn chế trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ngay tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Đã có nhiều người tiêu dùng quay lưng với các sản phẩm của chính DN trong nước, ưu tiên hơn cho các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài, mặc dù sản phẩm cùng loại không có sự khác biệt về chất lượng, chỉ khác nhau về giá.

Thừa nhận thực tế do chưa biết cách khai thác và gìn giữ, nên có nhiều thương hiệu sản phẩm Việt Nam chỉ mới xuất hiện trong một thời gian ngắn đã nhanh chóng bị lặng chìm, TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nêu rõ, hiện nay có rất nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam chưa có thương hiệu riêng mà chỉ gắn với vùng miền.

“Nếu xây dựng được thương hiệu và sản phẩm đặc sắc, đó sẽ vừa là hình ảnh của vùng miền, vừa là hình ảnh Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế”, ông Thành nhận xét.

Xây dựng thương hiệu muốn đi xa phải đi cùng nhau

Để xác định con đường xây dựng thương hiệu Việt đi ra thế giới, bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho rằng, sẽ không có giải pháp chung và con đường giống nhau trong việc xây dựng thương hiệu riêng. Các DN chế biến thực phẩm Việt Nam nên sản xuất theo thương hiệu riêng. Tuy nhiên, sản xuất gia công hay sản xuất theo nhãn hàng của các chuỗi siêu thị và các nhà nhập khẩu phân phối lớn của thế giới, cũng là phương cách để các DN tiếp cận thị trường một cách bền vững và có đơn hàng ổn định.

Đặc biệt, đối với một quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu hàng may mặc, giày dép... như Việt Nam, những DN thuộc các lĩnh vực này phải tận dụng được những lợi thế sẵn có để phát triển thương hiệu riêng cho mình.

“Đối với ngành da giày cần nghĩ đến các phân khúc khác như giày đặc chủng, giày dép thời trang, giày dép trẻ em hay giày dép trong nhà… Tương tự đối với ngành dệt may, hoàn toàn có thể phát triển các thương hiệu quần áo riêng như quần áo trẻ em, quần áo đi biển, quần áo bảo hộ lao động hay quần áo ngủ…”, bà Quỳnh gợi mở.

Dù có những DN đã chủ động trong xây dựng thương hiệu, nhưng theo bà Trần Thu Quỳnh, trong câu chuyện phát triển thương hiệu riêng, các DN nên đi chung với nhau và đặc biệt phải đi chung với các hiệp hội ngành hàng của mình, để cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường theo giai đoạn.

“Việc các DN đi chung với nhau sẽ có sự đồng bộ giữa các tiêu chuẩn sản xuất, kết nối thông tin mạng lưới đối tác nhập khẩu, nhà cung cấp và phối hợp trong các khâu kho vận và logistics… hướng đến phát triển cả hệ sinh thái cho ngành hàng”, bà Quỳnh lưu ý.

Tới đây, khi xu hướng bảo hộ gia tăng, cạnh tranh hàng hóa giữa các quốc gia ngày càng diễn ra mạnh mẽ hơn, nên bà Trần Thu Quỳnh cho rằng, để tận dụng được hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng, phát triển thương hiệu hiệu quả, doanh nghiệp buộc phải chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với thị trường đích; đặc biệt cần lưu ý tới những vấn đề mà thị trường đang rất quan tâm như chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.

thuong-hieu-quoc-gia-03-1705116647.jpg
Cần nỗ lực xây dựng thương hiệu những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Về phía Bộ Công Thương, bà Trịnh Huyền Mai thông tin, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan vẫn kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo ba cấp độ quốc gia, ngành hàng, doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp. Thứ hai, tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Thứ ba, tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được các chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành.

Qua đó quảng bá và phát triển, bảo vệ các thương hiệu của mình ra thị trường thế giới. Cuối cùng sẽ tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ có những hoạt động xúc tiến thương mại dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm đối với từng mặt hàng đối với từng thị trường và chung tay cùng với Nhà nước trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia.

Định hướng xây dựng thương hiệu của cộng đồng DN Việt Nam, TS Võ Trí Thành cho rằng, thương hiệu không đơn thuần chỉ là hình ảnh, mà qua đó người ta nhận biết, cảm nhận được về sản phẩm. Quan trọng hơn cả là sự thấu hiểu từ đó dẫn đến hành động của khách hàng, của người tiêu dùng. “Hành động của khách hàng đối với một thương hiệu có thể là mua bán, trải nghiệm sản phẩm, hay lan tỏa sản phẩm. Thương hiệu đạt được chính là cái “giá” mà đối tác, khách hàng, người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm đó”, ông Thành nói.

Giới chuyên gia khuyến nghị, DN khi bước vào thương trường, cần xác lập các định hướng chiến lược cho việc xây dựng thương hiệu, trong đó cần thiết đánh giá lại hình ảnh đại diện của quốc gia, của DN, xác định được điểm mạnh và điểm yếu trong từng lĩnh vực cụ thể. Ngoài ra, để tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu, DN phải khẳng định được uy tín, vị thế của mình, đưa ra được những cam kết để tồn tại bền vững. Đây cũng là một trong những cách để nâng cao giá trị thương hiệu./.

Trọng Bình