Giá trị thương hiệu Quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD nhờ triển vọng của nền kinh tế

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Đáng chú ý, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

“Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới, trong đó Fitch Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng "Ổn định." Đáng chú ý, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin tại phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức vào đầu tháng 1 vừa qua, tại Hà Nội.

thuong-hieu-quoc-gia-03-1704847073.jpg
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới.

Những con số tăng trưởng ấn tượng

Nhìn lại năm 2023, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết điểm nhấn là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2023 tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm khoảng 2% so với cuối năm 2022. Bội chi ngân sách Nhà nước, các chỉ tiêu về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia thấp hơn giới hạn cho phép.

Nêu thêm con số, ông Sơn thông tin, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu ngân sách vượt 8,12% dự toán; xuất siêu 28 tỷ USD; xuất khẩu hơn 8,3 triệu tấn gạo; an ninh năng lượng được bảo đảm…

Điểm nhấn chính là tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, tuy không đạt mục tiêu đề ra nhưng là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. GDP cả năm 2023 tăng 5,05%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Hơn nữa, cả 3 khu vực đều phát triển tốt; nông nghiệp tăng cao nhất trong hơn 10 năm qua; công nghiệp phục hồi tốt; dịch vụ phát triển sôi động, du lịch phục hồi, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế - vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách.

Bên cạnh đó, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 6,2%; giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 95% kế hoạch, cao hơn so cùng kỳ (91,42%); thu hút FDI đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

thuong-hieu-quoc-gia-01-1704847050.jpg
Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới…

Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh và là điểm sáng của năm 2023. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm đồng loạt khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đưa vào khai thác thêm gần 730 km, đưa tổng chiều dài đường cao tốc cả nước hiện nay lên gần 1.900 km.

Đáng chú ý, nhiều vấn đề tồn đọng và đột xuất phát sinh được xử lý quyết liệt, hiệu quả, có chuyển biến rõ nét. Tập trung xử lý 6 ngân hàng yếu kém; 8/12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ kéo dài nhiều năm; hoàn thành và đưa vào vận hành nhiều dự án điện lớn, quan trọng sau thời gian dài gián đoạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và đạt kết quả bước đầu.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô

Tuy vậy, dự báo năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tới nước ta. Cùng đó, thị trường quốc tế bị thu hẹp, sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng khó khăn, trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế, đời sống một bộ phận nhân dân còn khó khăn…

Vì vậy, để đạt các kết quả cao nhất, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.

Đặc biệt, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống như: đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới nổi như: liên kết vùng, đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số, Chuyển đổi Xanh.... Củng cố các thị trường truyền thống đi đôi với mở rộng các thị trường mới. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia.

“Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, phấn đấu năm 2024 cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính,” Thủ tướng nêu rõ.

thuong-hieu-quoc-gia-02-1704847162.jpg
Trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì sự tăng trưởng.

Ngoài ra, lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển Kinh tế Số, Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo...

“Ngay từ đầu năm, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh… Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân, tổ chức cho Nhân dân đón Tết Nguyên đán 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và không để ai không có Tết,” Thủ tướng nhấn mạnh./.

Bình Châu