Tập trung cho tiêu chí cứng
Theo Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, xã nông thôn mới nâng cao phải hoàn thành 19/19 tiêu chí và 75/75 chỉ tiêu, tăng 18 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và tăng 26 chỉ tiêu so với xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn trước. Điều này đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho các địa phương.
Một trong những tiêu chí cứng khó nhất là tiêu chí số 17 về môi trường với các chỉ tiêu: Tỷ lệ số hộ bằng hoặc hơn 20% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn; tỷ lệ chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải đạt 100%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt từ 90%...
Ngoài ra, các xã còn gặp khó ở vốn đầu tư, trong khi các tiêu chí nông thôn mới nâng cao cần có nguồn lực đầu tư lớn, địa phương nào không thu hút được dự án, chương trình đầu tư thì rất khó.
“Hiện nay, khó nhất là nước sạch, vì đây là nội dung cứng trong tiêu chí môi trường đối với xã nông thôn mới nâng cao. Để khắc phục được nội dung này, các địa phương cần có giải pháp đấu nối với các công trình nước sạch trong vùng để người dân sử dụng. Hoặc huyện phải có kế hoạch cụ thể xây dựng công trình nước sạch theo cụm xã”, ông Nguyễn Văn Hằng cho hay.
Những khó khăn ở cơ sở
Xã Nam Thành (Yên Thành) về đích nông thôn mới từ năm 2014, là một trong những xã về đích tốp đầu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong khi phần lớn các xã đã về đích nông thôn mới ở thời kỳ này hiện đã về đích nông thôn mới nâng cao, thì xã Nam Thành vẫn đang “chững lại” ở xã đạt chuẩn nông thôn mới!
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Sâm - Chủ tịch UBND xã Nam Thành đưa ra những nguyên nhân khiến xã chậm về đích nông thôn mới nâng cao so các xã khác: Sau khi về đích nông thôn mới xong, hầu hết người dân trong xã có tư tưởng thỏa mãn, nên các tiêu chí chững lại trong một thời gian dài. Các công trình phúc lợi được xây dựng từ năm 2014 về trước xuống cấp, cùng đó, việc huy động sức dân để cùng với Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi ở một số xóm gặp khó khăn, nhất là nhà văn hóa, trong khi giai đoạn sau này, xã Nam Thành thu từ nguồn ngân sách đấu giá đất không có, song cơ chế hỗ trợ của cấp trên đối với những xã nông thôn mới nâng cao ít.
Sau khi sáp nhập xóm, nhà văn hóa của các xóm cũ không đủ diện tích, buộc phải quy hoạch ra vùng mới, trong khi đó, người dân không đồng thuận trong việc hiến đất để giải phóng mặt bằng làm nhà văn hóa xóm. Mặt khác, chi phí đầu tư xây dựng các nhà văn hóa mới mức đầu tư cao, mà xã lại không có ngân sách để hỗ trợ.
Ông Sâm đưa ví dụ, nhà văn hóa của xóm Minh Châu được quy hoạch ở vị trí mới, nhưng liên quan đến 79 hộ dân có đất sản xuất. Do mỗi hộ chỉ có diện tích dưới 10 m2 để làm nương mạ, nên mức bồi thường không đáng kể, khiến bà con không chịu hiến đất, nên Nhà văn hóa xóm Minh Châu vẫn chưa làm mới được. Đối với xóm Tây Hồ, nhu cầu xây mới nhà văn hóa trên vị trí cũ, nhưng do vốn đầu tư không đủ, nên xóm chỉ nâng cấp một số hạng mục cần thiết.
Ông Nguyễn Hữu Diến - Bí thư Chi bộ xóm Tây Hồ cho hay, do xã quyết tâm về đích nông thôn mới nâng cao cuối năm 2023, nên xóm vận động sự đóng góp của người dân, cùng với nguồn xã hội hóa và sự hỗ trợ của xã 50% tổng mức đầu tư, xóm đã triển khai nâng cấp một số hạng mục cần thiết, với tổng kinh phí khoảng 230 triệu đồng.
Khi tiếp xúc với một số người dân xã Nam Thành, bà con cho rằng, đội ngũ cán bộ chủ chốt cần năng động hơn trong quá trình thực hiện nâng cao các tiêu chí nông thôn mới; công tác tuyên truyền về xây dựng NTM nâng cao cần thường xuyên, liên tục để mọi tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới là “có điểm xuất phát, chứ không có điểm dừng”.
Tương tự, xã Tân An (Tân Kỳ) về đích nông thôn mới từ năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch về đích nông thôn mới nâng cao. Ông Cao Tiến Thìn - Chủ tịch UBND xã Tân An cho rằng: Do xây dựng nông thôn mới nâng cao cần phải có nguồn đầu tư lớn, nên địa phương chưa thể đạt được.
“Mặc dù địa phương cán đích nông thôn mới từ năm 2015, nhưng đến nay, xã vẫn chưa có kế hoạch về đích nâng cao trong nhiệm kỳ 2021-2025, bởi ngân sách xã không có để đầu tư nâng cao các tiêu chí, nhất là tiêu chí giao thông, trường học, nhà văn hóa xã, xóm… Do đó, để xã về đích nông thôn mới nâng cao là phải sau năm 2025”, ông Cao Tiến Thìn chia sẻ.
Ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều xã về đích nông thôn mới từ những năm 2014 đến năm 2016, như Nghĩa Đồng, Tân An, Tân Phú… nhưng đến nay chưa có xã nào về đích nông thôn mới nâng cao.
Nguyên nhân là các địa phương không có nguồn lực đầu tư, trong khi Nhà nước chỉ hỗ trợ xi măng làm đường giao thông. “Năm 2022, huyện Tân Kỳ chọn xã Nghĩa Đồng về đích nông thôn mới nâng cao, nhưng địa phương vướng tiêu chí an ninh, trật tự, nên lại lỡ hẹn. Hiện huyện Tân Kỳ đang chọn 2 xã Nghĩa Đồng và Kỳ Tân về đích nông thôn mới nâng cao năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa thể khẳng định được, mặc dù các tiêu chí đã cơ bản hoàn thành”, ông Phạm Hồng Sơn cho hay.