Huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng: Cần người dân chung tay xây dựng nông thôn mới

Địa bàn huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng đang trong quá trình thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM). Thế nhưng để chương trình thực sự có hiệu quả thì rất cần sự vào cuộc chung tay của tất cả mọi người.
unnamed-2-1695218540.jpg
Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đang thi công xã Tân Hưng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong suốt thời gian qua, thành phố Hải Phòng đã quan tâm, chú trọng trong việc xây dựng nông thôn mới. Hải Phòng đã dồn lực, dồn sức, dồn tâm từ xây dựng nông thôn mới nâng lên thành nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực tế tại xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo nơi mà cả hệ thống chính trị đang dồn sức, dồn lực để hoàn thành chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu vào cuối năm 2023.

Những năm qua cùng với sự chỉ đạo của Đảng uỷ, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên, văn hóa - xã hội có bước phát triển mạnh, an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, vận dụng những người có uy tín trong dòng họ, xã hội, người thân để tiếp cận các đối tượng tuyên truyền, vận động với phương pháp bám sát địa bàn, kiên trì thuyết phục, giải quyết vướng mắc dứt điểm từng nội dung.

Ông Phạm Văn Lượng - Chủ tịch UBND xã Tân Hưng cho biết, hiện địa bàn xã đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, ngoài sự đồng thuận của đa số người dân thì vẫn còn một số ít trường hợp vẫn kiên quyết không chịu hiến đất để làm đường.

Đơn cử như có 2 vợ chồng ông Phạm Xuân H, chị Nguyễn Thị Th nhà ngay gần UBND xã dù cả 2 đều là Đảng viên, công chức nhà nước, chính quyền địa phương đã nhiều lần đến gia đình vận động nhưng vẫn kiên quyết bám trụ không hiến đất vì nếu hiến đất thì gia đình không có chỗ để ô tô. Gia đình này cho rằng đã hiểu được chương trình nông thôn mới và ủng hộ địa phương nhưng dứt khoát từ chối không hiến tặng đất (nếu có thì hiến tặng 80 cm). Trong khi các gia đình khác đều đã đồng tình ủng hộ địa phương. Còn phần đất nhà ông H, bà Th vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhìn rất phản cảm vì lồi ngay ra phần đường”…

Với quyết tâm phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong thực hiện xây dựng NTM, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt tổ chức hội, đoàn thể và thành lập các Tổ công tác đến từng hộ vận động. Tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên nhân dân chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết ngày 10/9/2023 trên địa bàn xã có 253/267 hộ đồng thuận ký đơn hiến đất và bàn giao mặt bằng thi công các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu.

Xã Tân Hưng nằm cạnh thị trấn Vĩnh Bảo, có thể coi đây là một trong những xã cần sớm hoàn thành chương trình về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên muốn thành công vẫn cần sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân để cùng nhau thực hiện tốt nông thôn mới theo chủ trương chung của thành phố Hải Phòng. Người dân cần nâng cao nhận thức trong việc hiến đất làm đường vì mục tiêu chung.

unnamed-3-1695218624.jpg
Tuy vậy cũng còn vài hộ chưa thông suốt chủ trương chung làm chậm tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được bắt đầu tư năm 2010 mang kỳ vọng về những thay đổi của làng quê, với cách làm mới, tư tưởng mới, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tạo ra sự nhất trí cao, trong đó người dân là chủ thể của chương trình.

Mục tiêu là làm thay đổi căn bản về hạ tầng kinh tế, xã hội, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Có thể coi đây chính là cột mốc mới cho mỗi địa phương trong đó có Hải Phòng. Nhưng làm thế nào? chính sách ra sao? Trách nhiệm của chính quyền đến đâu? Đòi hỏi tất cả mọi người cùng làm, cùng vào cuộc để đạt được mục tiêu ấy.

Có thể nói sau 10 năm thực hiện, với sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của các tầng lớp nhân dân, Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hải Phòng đã đạt được những thành tựu nổi bật khi đã có 137/137 (đạt 100%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều tiêu chí đạt ở mức cao hơn so với chuẩn nông thôn mới của Trung ương và trung bình cả nước. Những kết quả nêu trên là những thành tựu to lớn, là kết quả tất yếu của tinh thần chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn thành phố.

Từ năm 2020, TP đã thí điểm đầu tư xây dựng 8 xã nông thôn mới kiểu mẫu, với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng. Thời điểm này Trung ương mới chỉ hướng dẫn tiêu chí xã nâng cao. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết về xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn lực trên 16.000 tỷ đồng. Bình quân 125 tỷ đồng/xã. Như vậy, có thể nói xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu là một sáng tạo, đột phá và ưu tiên lớn về nguồn lực của thành phố.

 

  Ngô Quảng