Năm 2021, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước khoảng 20,5 triệu tấn, trong đó hơn 50% là tiêu thụ cho GTVT. Lượng khí thải ra từ các phương tiện cơ giới sử dụng xăng dầu đã ảnh hưởng lớn đến môi trường, gây ra những nguy cơ đối với sức khỏe của người dân.
Để khắc phục tình trạng cạn kiệt tài nguyên, cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xe điện hiện là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm tiếng ồn và ô nhiễm trong lĩnh vực GTVT. Các nước phát triển trên thế giới như Hà Lan, Anh, Pháp, Na Uy... đang khuyến khích người dân sử dụng xe điện thậm chí có lộ trình ngừng bán các loại xe chạy bằng xăng để giảm thiểu tối đa nhiên liệu và hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí.
Đứng trước tình hình đó, xe ô tô điện cũng đang được nhiều người hưởng ứng trên toàn thế giới. Hết tháng 6 năm 2020, lượng xe điện bán ra xấp xỉ 195.000 chiếc, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Tại thị trường Mỹ, doanh số xe điện năm 2019 tăng 21% so với năm 2018, tương ứng xe điện bán ra đạt trên 200.000 chiếc. Đến năm 2035, dự kiến tổng số xe điện toàn cầu lên 125 triệu chiếc, đây là một con số khủng lồ nhưng có thể đạt được nếu trong tương lai mọi người đều muốn hướng đến sử dụng phương tiện xanh, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc sản xuất và phát triển các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, việc phát triển năng lượng sạch dùng thay thế cho phương tiện vận tải cũng cần được chú trọng. Năm 2020, số lượng trạm sạc trên toàn cầu đạt 862.118 điểm, bao gồm cả trạm sạc nhanh (thời gian sạc chỉ mất vài phút) và chậm (thời gian sạc lên đến hàng giờ). Với chủ trương thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, các tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, hiện nay các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đang từng bước phát triển, hoàn thiện hơn nữa các trạm sạc xe điện giúp loại trừ rủi ro và hoàn thiện chuỗi tiện ích cho người dùng. Điều đặc biệt nguồn điện phục vụ cho các trạm sạc sử dụng từ các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện, mặt trời, gió, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, khí sinh học… không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn hạn chế cạn kiệt nhiên liệu do khai thác quá mức để đáp ứng cho nghành GTVT.
Ngày 24/7/2022 vừa qua, Hội Môi trường GTVT Việt Nam đã quyết định thành lập Trung tâm Tư vấn Môi trường GTVT và Dịch vụ tổng hợp và Trung tâm Tư vấn Sức khỏe tại khu vực miền Nam. Việc ra mắt 2 Trung tâm trực thuộc Hội Môi trường GTVT Việt Nam sẽ góp phần tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam các vấn đề về chăm sóc sức khỏe người lao động, xử lý và bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Đồng thời, đây cũng là một bước đệm để thực hiện các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, phát triển công nghệ xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật.
Với chủ trương thúc đẩy sử dụng các loại phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, thị trường sản phẩm xe điện của Việt Nam đang được đánh giá không chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước, mà còn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việc lắp đặt trạm sạc xe điện không chỉ hoàn thiện chuỗi tiện ích mà còn là cầu nối, góp phần hình thành một cộng đồng sống “xanh”.
Ông Trần Văn Thuyết - Phó Chủ tịch Hội Môi trường GTVT Việt Nam phụ trách miền Nam, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Môi trường GTVT và Dịch vụ tổng hợp chia sẻ: “Sử dụng "phương tiện xanh", năng lượng sạch và đổi mới công nghệ là chìa khóa để chúng ta ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Việc theo đuổi các công nghệ đột phá nhằm phát triển các sản phẩm bền vững và góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường là xu thế tất yếu tại Việt Nam nói riêng, và nhân loại nói chung. Từ đó, góp phần thúc đẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai một cách bền vững mà không gây tổn hại cho môi trường”.
Để khẳng định vai trò, vị trí là một tổ chức xã hội nghệ nghiệp có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực GTVT đối với đời sống, xã hội, thời gian tới Hội Môi trường GTVT Việt Nam sẽ tư vấn, xây dựng nhằm chuẩn hóa các trạm sạc xe điện, phục vụ nhu cầu năng lượng thiết yếu cho các loại phương tiện cơ giới, cùng với sự đón nhận của người dân sẽ từng bước xây dựng thói quen sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, thúc đẩy phát triển "giao thông xanh".
Được biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu và thuộc nhóm các nền kinh tế phát thải nhiều Các bon nhất ở Châu Á, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải Các bon của toàn bộ nền kinh tế và đạt trạng thái trung hòa Các bon vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26). Để đạt mục tiêu này đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ trong 30 năm tới trong khi nguồn lực của nhà nước chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu vốn này.
Tháng 5/2022, với 2 biên bản ghi nhớ hợp tác vừa ký kết với Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sẽ hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tài chính của khu vực kinh tế tư nhân đối với quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững và phát thải carbon (Các bon) thấp. Các biên bản ghi nhớ đã được trao đổi giữa các bên ký kết tại thủ đô Washington DC với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc để tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt Hoa Kỳ - ASEAN từ ngày 11/5 đến ngày 17/5/2022.
Ông Trần Minh Vũ - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Môi trường GTVT và Dịch vụ tổng hợp, tâm sự: “Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng ‘0’ vào năm 2050, theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi các bên liên quan bao gồm các bộ chủ quản, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thiết lập kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu trung hòa cacbon năm 2050. Việc sử dụng phương tiện xanh, năng lượng sạch chính là góp phần thiết thực cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26)”.