Xác minh, xử lý đến cùng tàu cá vi phạm khai thác IUU, tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình

Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, ban, ngành ở địa phương thực hiện nghiêm công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU.
go-the-vang-iuu-2-1740322364.jpg
Đến nay cả nước chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.(Ảnh minh họa)

Hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm hành chính về khai thác hải sản bất hợp pháp

Bộ NN&PTNT vừa ban hành Văn bản số 884/BNN-TS gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển về việc tiếp tục thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Văn bản nêu: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 403/TBVPCP ngày 31/8/2024 của Văn phòng Chính phủ thông báo về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và Kết luận số 30/KL-VPCP ngày 25/1/2025 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị lần thứ XII Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, ngày 7/1/2025, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 203/BNN-TS gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, ban, ngành ở địa phương nghiêm túc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU.

Ngày 28/1/2025, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 290/PC-VPCP về việc chuyển Văn bản số 300/KL-BTP ngày 17/1/2025 của Bộ Tư pháp về kết luận kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại UBND tỉnh Phú Yên.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, hạn chế thấp nhất hành vi vi phạm hành chính về khai thác hải sản bất hợp pháp, thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, hướng tới xây dựng ngành thủy sản bền vững, hiệu quả, Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển chỉ đạo, quán triệt các cơ quan, ban, ngành ở địa phương thực hiện nghiêm công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, xử lý vi phạm hành chính liên quan đến IUU. Trong đó, lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:

- Một là hoàn thiện thể chế: Thường xuyên tổng hợp khó khăn, vướng mắc liên quan đến chống khai thác hải sản IUU; chủ động ban hành theo thẩm quyền hoặc có ý kiến tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền có hướng xử lý đối với quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là các quy định về chống khai thác IUU không phù hợp, không bảo đảm tính khả thi.

go-the-vang-iuu-1-1740322391.jpg
Lực lượng biên phòng đến từng tàu tuyên truyền cho ngư dân tại Quảng Trị. (Ảnh VGP)

Đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến IUU (đặc biệt là các quy định tại Nghị định số 37/2024/NĐ-CP ngày 4/4/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản), UBND tỉnh, sở NN&PTNT và các cơ quan có liên quan cần chủ động, kịp thời gửi văn bản cho Bộ NN&PTNT để phối hợp giải quyết.

- Hai là tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra IUU: Chỉ đạo Sở NN&PTNT, các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm tra, thanh tra trong lĩnh vực thủy sản, trong đó cần xác định các địa bàn trọng điểm có đối tượng, tàu cá nguy cơ cao vi phạm về khai thác IUU nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này, đặc biệt là các hành vi vi phạm khai thác IUU.

Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng điều tra, xác minh, xử lý đến cùng các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định, không bỏ lọt hành vi vi phạm.

- Ba là về thực thi pháp luật: Rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm túc xem xét, xác định rõ sai phạm (nếu có) và xem xét trách nhiệm công vụ của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và người có trách nhiệm tham mưu cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong việc áp dụng pháp luật chưa chính xác, đầy đủ, chưa nghiêm minh theo quy định pháp luật về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, đúng pháp luật.

Cần xác định chính xác đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính

Đối với các hồ sơ mà địa phương đã xử lý, đề nghị rà soát và lưu ý thêm một số vấn đề như: Thực hiện việc lập biên bản xác minh tình tiết vụ việc vi phạm hành chính đúng thẩm quyền theo Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Thực hiện thủ tục tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề (giấy phép khai thác thủy sản và chứng chỉ thuyền trưởng) theo đúng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (khoản 1 Điều 125 và điểm b khoản 4 Điều 125).

Sau khi ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi sát sao điều kiện thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của đối tượng bị xử phạt. Trường hợp đối tượng bị xử 3 phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.

Cần xác định chính xác đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính để không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 5 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải mô tả hành vi vi phạm hành chính theo đúng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 68 Luật Xử lý vi phạm hành chính và chú thích số 07 mẫu Quyết định số 02 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp đối tượng có hành vi vi phạm có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì cần áp dụng theo các nguyên tắc quy định tại Điều 9 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

go-the-vang-iuu-4-1740322340.jpg
Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC. (Ảnh minh họa)

Cụ thể: Mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung phạt tiền được quy định đối với hành vi đó. Trong trường hợp có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên thì áp dụng mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ 2 tình tiết tăng nặng trở lên thì áp dụng mức tối đa của khung tiền phạt.

Một số nội dung cần lưu ý khác trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cần thể hiện thông tin về việc giao nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; các biên bản liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính cần được lập theo đúng mẫu ban hành tại Phụ lục biểu mẫu kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP; hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính cần được lưu trữ cẩn thận, đánh bút lục theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến và trực tiếp lần thứ XII với 28 tỉnh, thành phố ven biển của Ban chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), cho thấy việc chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đến nay cơ bản đã khắc phục được các nội dung theo khuyến nghị của EC.

Tính đến ngày 6/1/2025, qua rà soát, thống kê nắm được tổng số đội tàu cá cả nước là 84.536 chiếc, trong đó, cập nhật trên VN-Fishbase là 83.648 chiếc (đạt 98,9%), đã cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho đội tàu từ 15 mét trở lên 25.942/28.728 chiếc, đạt 90,3%. Tàu cá có chiều dài 15 m trở lên hoạt động khai thác thuỷ sản đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100% (23.312 chiếc).

Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác được thực hiện chặt chẽ hơn trước. Đến nay cả nước chưa phát hiện các trường hợp vi phạm IUU đối với các lô hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Trong năm 2024, các địa phương đã khởi tố 32 vụ hình sự và đưa ra xét xử công khai 10 vụ liên quan đến hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hợp thức hóa hồ sơ; liên quan hành vi tháo, gửi thiết bị giám sát hành trình (VMS), hợp thức hóa sơ vi phạm IUU; chế tạo, sử dụng trái phép vật liệu nổ… Tổng số tiền xử phạt hành vi vi phạm chống IUU là gần 100 tỷ đồng.

Việc kiểm soát sản phẩm thủy sản khai thác nhập khẩu từ nước ngoài được thực hiện đầy đủ theo quy định quốc tế và khuyến nghị của EC.

Tuy nhiên, báo cáo nhận định, các vụ việc vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài dù đã giảm rõ rệt sau khi triển khai Nghị quyết số 04/2024 nhưng vẫn còn trường hợp vi phạm. Cả nước vẫn còn 888 tàu cá “3 không” tập trung tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

Việc gia hạn, cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định vẫn còn chậm, tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản còn hạn cho khối tàu từ 6 mét trở lên đến nay mới đạt 76,5%. Kết quả xác minh, xử lý các hành vi vi phạm ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn rất thấp so với các vụ việc được phát hiện.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung cao điểm thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, có kết quả, sản phẩm cụ thể để chứng minh tại đợt thanh tra lần thứ 5 của EC.

Khẩn trương rà soát, xác minh, xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm khai thác IUU, ngắt kết nối VMS, gửi, vận chuyển thiết bị VMS, vượt ranh giới trên biển; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài...; xử lý dứt điểm tàu cá “3 không”; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Tăng cường thông tin truyền thông về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam trong và ngoài nước; vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các bên có liên quan thúc đẩy EC gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”.

Đồng thời tuyên truyền, tập huấn các quy định pháp luật thủy sản, chống khai thác IUU để nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm của cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU.

Bình Châu