
Chiều 28/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ tháng 2/2023 đến ngày 20/12/2024, tỉnh chưa phát hiện tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay chưa phát hiện vụ việc liên quan đến hành vi tháo gỡ, vận chuyển thiết bị VMS hoặc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
UBND tỉnh Bình Thuận đã thống kê, lập danh sách đưa vào theo dõi, quản lý 173 tàu cá nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; phân công hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Tổ chức trực ban 24/24 tại Trung tâm giám sát tàu cá để theo dõi, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, kịp thời cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn tàu cá vượt ranh giới vi phạm trái phép vùng biển nước ngoài; phối hợp với các lực lượng chức năng theo dõi, nắm tình hình giám sát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, kịp thời phát hiện các tàu cá đang hoạt động ở khu vực giáp ranh, chồng lấn, chưa phân định.

UBND tỉnh Bình Thuận đã công bố 2.531 tàu cá “03 không” chiều dài từ 6m trở lên. Qua kiểm tra, đã loại khỏi danh sách 82 tàu không đủ điều kiện; đã thực hiện đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 2.435 tàu cá (đạt 99,4%), còn 14 tàu đang tiếp tục hoàn thành các thủ tục trong tháng 12/2024.
Còn về đăng ký tàu cá, tính đến 20/12, toàn tỉnh có 8.337 tàu cá được đăng ký, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia VNFishbase (gồm: 4.300 tàu từ 6 đến 12m; 2.021 tàu từ 12 đến 15m; 2.016 tàu từ 15m trở lên), xoá đăng ký 58 tàu.
Đến nay, toàn tỉnh có 7.284/8.337 tàu cá được cấp giấy phép khai thác còn hạn (đạt 87%); số còn lại chưa có/hết hạn giấy phép là 1.053 tàu cá. UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân các thủ tục để cấp giấy phép.
Về đăng kiểm, đã thực hiện đăng kiểm cho 3.394/4.037 tàu cá chiều dài từ 12 mét trở lên (đạt 83,62%). Đã cấp cho 6.355 tàu cá giấy chứng nhận/giấy cam kết an toàn thực phẩm, trong đó tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đạt trên 95%.
Toàn tỉnh có 2.016 tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã đăng ký thuộc diện lắp đặt VMS. Đến nay, có 2.010 tàu cá đã được lắp đặt VMS, đạt 100% tàu cá hoạt động; 6 tàu ngừng hoạt động, chưa lắp đặt VMS (trong đó, 1 tàu chờ bán; 5 tàu đóng mới theo Nghị định 67 chờ thi hành án) được các đơn vị, địa phương giám sát chặt chẽ.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, thời gian qua các cơ quan, đơn vị và địa phương đã nỗ lực, tập trung triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, một số nhiệm vụ đạt kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được quan tâm đẩy mạnh. Tiếp tục quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá nguy cơ cao, không để vi phạm vùng biển nước ngoài. Công tác đăng ký tàu cá theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT cơ bản đạt tiến độ yêu cầu.
Nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu các nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiên quyết không để tàu cá của tỉnh Bình Thuận vi phạm vùng biển nước ngoài, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là chính quyền cơ sở (cấp huyện, cấp xã) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể tham gia tuyên truyền, nắm tình hình, giám sát đối tượng nguy cơ cao (gồm tàu cá, thuyền trưởng, lao động trên tàu cá), vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn kịp thời./.