Ngày 12/6, tại Phú Yên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp Ban Kinh tế Trung ương và các đơn vị tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Tại diễn đàn, các ý kiến tập trung đánh giá, phân tích việc tuyên truyền, quán triệt, ban hành các chương trình/kế hoạch thực hiện Nghị quyết; làm rõ kết quả thực hiện các mục tiêu nhất là các chỉ tiêu tổng hợp về kinh tế biển; đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành kinh tế biển...
Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên Phạm Đại Dương cho biết, kinh tế biển và ven biển đóng góp tỉ lệ lớn vào tổng sản phẩm quốc nội, là nguồn thu ngoại tệ mạnh phục vụ phát triển đất nước. "Phát triển kinh tế biển nổi lên như một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa, đồng thời cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới" - Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên nhấn mạnh.
Ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển của các địa phương và đất nước. Tuy nhiên, quy mô kinh tế biển còn khiêm tốn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu; đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững...
Thông tin về những kết quả nổi bật trong triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, du lịch biển đảo mang lại 70% doanh thu cho ngành du lịch cả nước. Vận tải hàng hóa đường biển đạt 85,1 triệu tấn. Sản lượng khai thác quy dầu khí đạt 18,43 triệu tấn (khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn). Sản lượng thủy sản khai thác đạt 3.920 nghìn tấn; nuôi trồng đạt 4.805,8 nghìn tấn; có 35 dự án đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.
Trong thời gian qua, kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông đã được quan tâm đầu tư bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.
Cả nước hiện có 18/19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được thành lập; đã hình thành chuỗi đô thị biển với gần 600 đô thị, chiếm khoảng 8% số lượng đô thị cả nước với dân số khoảng 19 triệu người.
Quy hoạch không gian biển quốc gia được định hướng phân vùng sử dụng không gian biển bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, lợi ích giữa bên liên quan, các thế hệ hôm nay và mai sau; từng bước xây dựng liên kết, hình thành 4 vùng kinh tế ven biển, bao gồm: Vùng biển và ven biển phía bắc; Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ; Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển luôn được quan tâm; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Đến nay, cả nước có 12 khu bảo tồn biển đã được thành lập với tổng diện tích hơn 206.000 ha, trong đó có 185.000 ha biển. Cùng với đó, hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển đã được tăng cường; Việt Nam đã tham gia nhiều diễn đàn khu vực và thế giới về kinh tế biển xanh, chống rác thải nhựa biển, bảo vệ, bảo tồn các hệ sinh thái biển.
"Thế kỷ XXI được xem là “Thế kỷ của đại dương”. Biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội cũng như vấn đề an ninh quốc gia. Kinh tế biển, các vùng biển, ven biển đang trở thành động lực phát triển đất nước hiện đóng góp khoảng 3 nghìn tỉ USD mỗi năm, tức 5% GDP của thế giới bao gồm các ngành chính là dầu khí, vận tải biển, cảng, năng lượng tái tạo, thủy sản, hệ sinh thái biển và du lịch biển. Kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết: ra biển là thịnh vượng, ngược biển là suy tàn" - Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết.
Tại diễn đàn này, Bộ TN&MT nhấn mạnh một số nhiệm vụ trước mắt cần tập trung thực hiện: Kiến tạo môi trường chính sách, pháp lý cho nền kinh tế biển bền vững, kinh tế xanh lam để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên; Khẩn trương triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, trọng tâm là Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...