Xã hội hoá bóng đá - Doanh thu các đội bóng V League tới từ đâu?

Liên tiếp các Doanh nghiệp lớn, đã xây dựng vị thế chắc chắn trên thương trường như Ngân hàng SHB, Viettel hay gần đây nhất là TH True Milk đặt chân vào bản đồ bóng đá Việt Nam cùng mức đầu tư khổng lồ và quỹ lương dành cho cầu thủ ngày một tăng. Vậy, các Doanh nghiệp có khai thác thương mại từ đội bóng họ sở hữu, hay chỉ coi đây là một kênh marketing đầy tính thực dụng trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ?

Trước tiên, cần tái khẳng định rằng, một câu lạc bộ bóng đá hiện đại là một doanh nghiệp có mô hình kinh doanh cụ thể cùng những đặc điểm về tổ chức và vận hành không khác những doanh nghiệp đang hoạt động tại những lĩnh vực truyền thống. Đây là yếu tố tiên quyết đưa nền bóng đá Việt Nam bứt tốc trong giai đoạn vừa qua khi chuyển đổi nhà quản lý từ các cấp chính quyền địa phương hay các đơn vị Hành chính - Sự nghiệp sang tay các doanh nghiệp - tập đoàn lớn.

Vì vậy, một câu lạc bộ chỉ thật sự vững mạnh và phát triển khi sức mạnh nội tại của “Đội bóng doanh nghiệp” có thể tự tạo ra nguồn thu chứ không phụ thuộc vào khoản đầu tư từ các doanh nghiệp sở hữu. Vậy, nguồn thu của một đội bóng tới từ đâu, hãy cùng điểm qua những phương thức kinh doanh của một đội bóng tại Việt Nam - nơi đang hội nhập mạnh mẽ với nền bóng đá Thế giới và bước đầu gặt hái được thành công.

1. Hợp đồng tài trợ

Nhận được sự quan tâm của người hâm mộ toàn quốc, các đội bóng tại V League dễ dàng nhận được nhiều hợp đồng tài trợ từ những nhãn hàng có cùng tệp khách hàng quan tâm. Đơn cử, NutiFood - nhãn hàng từng đồng hành cùng Hoàng Anh Gia Lai ở thời điểm bóng đá Việt Nam còn chưa đạt độ chín như thời điểm hiện tại từng tạo ra cơn “địa chấn” trong lĩnh vực, và khoản đầu tư 15 tỷ đồng vào năm 2015 dành cho thế hệ vàng F2 của bóng đá Việt Nam như Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng đã thật sự thành công, mang lại lợi ích cho cả đội bóng lẫn nhà tài trợ.

nutrifood-tai-tro-v-league-1639475534.jpg

NutiFood là thương hiệu gắn liền với V League trong nhiều năm

2. Doanh thu quảng cáo

Tần suất phát sóng lớn, cố định trên các phương tiện truyền thông đại chúng giúp các đội bóng tìm kiếm được doanh thu lớn từ việc quảng cáo cho các nhãn hàng trên nhiều hình thức ấn phẩm. Đáng kể nhất là các banner quảng cáo đặt tại sân với nhiều doanh nghiệp lớn sẵn sàng bạo chi để cạnh tranh những vị trí đắc địa, thường xuyên được camera “để mắt” như khu vực xung quanh đường biên giữa sân hay sau nơi thủ môn trấn giữ.

redbull-quang-cao-v-league-1639475650.jpg

Không hiếm những thương hiệu Quốc tế quan tâm tới khả năng tiếp cận người tiêu dùng tại V League

Ngoài ra, các ấn phẩm in ấn của câu lạc bộ cũng là nơi được doanh nghiệp quảng cáo – truyền thông khai thác triệt để ở vị trí ngoài sân bóng như đại sảnh, khu vực trông giữ phương tiện giao thông hay màn hình điện tử thông báo tỉ số.

3. Doanh thu bán áo đấu

Một điều mới mẻ đối với cổ động viên Việt Nam, khi những chiếc áo đấu chính hãng, được in số áo và tên cầu thủ được lên kệ và trở thành đồng phục mỗi khi vào sân cổ vũ đội nhà. Năm 2015, chiếc áo đấu mang số 44 của Nguyễn Công Phượng cháy hàng chỉ sau 2 ngày mở bán, mang lại doanh thu 120 triệu đồng, hay số áo số 8 của tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh, tuy không đạt doanh số như đồng đội nhưng cũng giúp tài khoản của Hoàng Anh Gia Lai gia tăng 80 triệu đồng. Những con số tuy không lớn, nhưng là bước đầu để đội bóng phố núi đặt chân vào một lĩnh vực chuyên nghiệp trị giá hàng tỷ USD, và là bước đệm để V League học tập mô hình kinh doanh thế giới.

ao-dau-cong-phuong-1639476002.jpg

Mức giá 200.000 đồng không làm khó những cổ động viên của Hoàng Anh Gia Lai

4. Doanh thu chuyển nhượng cầu thủ

Doanh thu tới từ việc chuyển nhượng cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo, hoặc những cầu thủ được nâng tầm trong quá trình thi đấu sau khi chiêu mộ cũng là một trong những điểm sáng mà Doanh nghiệp tìm thấy trong giai đoạn vừa qua. Hàng loạt cầu thủ Việt xuất ngoại tới những bến đỗ đòi hỏi tính chuyên môn cao, tại những câu lạc bộ danh tiếng ở những Quốc gia phát triển là minh chứng cho khả năng đào tạo tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam. Đặng Văn Lâm được định giá 300.000 Euro (2021) khi chuyển tới thi đấu cho Cerezo Osaka, Nhật Bản; hay cá biệt, Đoàn Văn Hậu được câu lạc bộ Heerenveen (Hà Lan) thỏa thuận mức phí chuyển nhượng lên tới 1,2 triệu Euro (2020) là tín hiệu đáng mừng, cho thấy cầu thủ Việt Nam đã đủ sức vươn tầm thế giới.

doan-van-hau-heerenven-1639476229.jpg

Không chỉ cải thiện về chuyên môn khi xuất ngoại, Đoàn Văn Hậu còn mang lại nguồn thu khổng lồ cho CLB chủ quản

5. Tiền thưởng từ giải đấu

Mức thưởng tại V League 2021 được Ban Tổ Chức công bố là 3 tỷ đồng dành cho đội Quán quân, 1,5 tỷ đồng dành cho Á quân, 750 triệu đồng được trao tới đội bóng hạng 3 và 200 triệu đồng dành cho Câu lạc bộ đoạt giải phong cách. Mức thưởng tuy chưa cao, nhưng tương đồng với các nước khác trong khu vực: Đội vô địch Thai League nhận được 5 triệu bath (mùa giải 2020), tương đương 3,4 tỷ đồng, hay Quán quân của Singapore Premier League bỏ túi 150.000 USD Singapore, tương đương 2,5 tỷ đồng. Sự chênh lệch không quá lớn giữa các giải đấu Đông Nam Á cho thấy vị thế của V League đã không còn thua kém các đối thủ trong khu vực, ít nhất trên phương diện tài chính.

viettel-vo-dich-1639476353.jpg

...Toàn bộ số tiền thưởng từ chức vô địch V League 2020 đã được CLB sử dụng để ủng hộ miền Trung

6. Doanh thu bán vé 

Với sức chứa dao động từ 8000-15000 chỗ ngồi, các đội bóng tại V League đạt doanh thu trung bình từ 300-600 triệu đồng mỗi trận đấu trên sân nhà. Sau 26 vòng tại giải đấu hàng đầu Việt Nam, mỗi đội bóng đạt doanh thu bán vé từ 3,9 tỷ - 7,8 tỷ đồng.

ve-v-league-1639477323.JPG
Sức hút của những trận đấu tại V League không hạ nhiệt dù sự ảnh hưởng toàn diện của Covid-19

Không quá bất ngờ, khi bản quyền Truyền hình, vốn được cơ cấu là một trong những nguồn thu chính của các đội bóng Châu Âu không xuất hiện tại V League. Cách đây gần một thập kỷ, ông bầu Nguyễn Đức Kiên từng khiến báo giới và cộng đồng người hâm mộ không khỏi bất ngờ khi đòi hỏi sự minh bạch từ các cơ quan quản lý bóng đá, cùng lời cam kết sẽ đưa bản quyền Truyền hình của V League lên 50 tỷ đồng từ năm 2012, tuy nhiên, moi diễn biến của vụ việc đã dừng lại khi doanh nhân này sa vào vòng lao lý. Nhìn sang người hàng xóm Thái Lan, với mức bản quyền truyền hình được định giá gần 1000 tỷ đồng (2020), có lẽ, các đội bóng tại V Leage cũng đang nóng lòng tới ngày nhận được doanh thu tương tự, do sức hút của các đội bóng và sự nhiệt thành của người hâm mộ Việt Nam không hề thua kém người Thái./.

Thái Hà