WE WILL WIN: Phục hồi kinh tế sau đại dịch

Động lực nào để Hệ sinh thái Khởi nghiệp Việt Nam “hồi sinh” sau đại dịch? Động lực nào để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam bật dậy sau Covid-19? Trong 2 năm vừa qua, khủng hoảng đã tác động lên toàn nền kinh tế, và ảnh hưởng nhiều nhất chính là các doanh nghiệp khởi nghiệp non trẻ.

Gợi mở nhiều vấn đề về kinh tế doanh nghiệp

Kịch bản nào cho sự phục hồi Hệ sinh thái khởi nghiệp sau đại dịch? “Phác đồ hồi phục” cho doanh nghiệp khởi nghiệp? Dịch bệnh đã đẩy nhanh xu hướng số hóa nhưng liệu chuyển đổi số có là trọng tâm phục hồi và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp? Doanh nghiệp phải đối mặt với rào cản và khó khăn gì khi ứng dụng chuyển đổi số vào kinh doanh và kinh nghiệm vượt qua? Những câu hỏi này đã được giải đáp trong buổi tọa đàm khởi nghiệp với chủ đề “We Will Win - Phục hồi kinh tế sau đại dịch” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Tại buổi tọa đàm, câu hỏi: "Chúng ta thấy gì từ hơn 90 ngàn doanh nghiệp “khai tử” chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021?" cũng được đặt ra.  Có thể nói, đằng sau mỗi doanh nghiệp ngừng hoạt động là sự mất đi sinh kế, nguồn sống của người lao động. Đây chính là động lực thôi thúc mạnh mẽ mục tiêu sống còn: Phục hồi kinh tế sau đại dịch - hồi sức cho doanh nghiệp để mở kế sinh nhai cho người lao động...

11-1648552167.JPG
 
12-1648552238.jpg
Ba diễn giả: Chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA); Anh Trần Thanh Tùng - Micro KOL Lĩnh vực Khởi nghiệp; Anh Đoàn Văn Minh Nhựt - Co-Founder Bánh mỳ Má Hải chia sẻ tại “We Will Win - Phục hồi kinh tế sau đại dịch” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ của một Startup thành công “vượt qua cơn bão”, anh Đoàn Văn Minh Nhựt - Co-Founder Bánh mỳ Má Hải cho rằng: “Góc nhìn tích cực trong hai năm vừa qua đối với Bánh mỳ Má Hải thì Nhựt xem nó như một cơ hội để mình tinh gọn lại mọi thứ và giúp mình linh động hơn, tạo nền tảng chắc chắn hơn để quay trở lại sau dịch một cách mạnh mẽ nhất. Hai năm vừa qua cũng là thời kỳ để Bánh mỳ Má Hải hoàn thiện quy trình sản xuất, mang lại sự đặc trưng riêng cho sản phẩm chả cá của Bánh mỳ Má Hải. Thành tựu mà Bánh mỳ Má Hải đạt được trong thời gian qua là trở thành á quân của Startup Wheel 2021. Ngoài giá trị về giải thưởng, Startup Wheel còn mang lại cho Bánh mỳ Má Hải cơ hội được quảng bá được dự án của mình đến cộng đồng khởi nghiệp và rất nhiều nhà đầu tư”.

Anh Trần Thanh Tùng - Micro KOL Lĩnh vực Khởi nghiệp chia sẻ về hành trình vượt bão của mình: “Câu slogan ngày hôm nay vô cùng phù hợp với hành trình của mình, We ở đây được hiểu là chúng ta ở phiên bản hiện tại, thu gọn hơn, trở nên “Strong” hơn sau năm đại dịch. Will là những cơ hội bắt đầu xuất hiện, Will là những gì chúng ta phải làm, những nhu cầu mới, cơ hội quá nhiều bắt buộc chúng ta phải thực hiện để Win. Không có cách nào để chúng ta biết rằng mình có hợp với khởi nghiệp hay không nếu như chúng ta không đạt được những chiến thắng. Dù rất nhỏ nhưng ta phải đạt được để tiếp tục hành trình của mình. Tùng rất may mắn khi Dự án Sài Gòn Tếu được sinh ra trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế nhưng vẫn phát triển và tốc độ phủ sóng cực kỳ mạnh”. 

Với góc độ là Nhà Lãnh đạo BSSC và là đầu tàu của Startup Wheel, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC), Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA), chia sẻ: “Covid-19 như một cơn bão, nó sẽ cuốn đi những cái cây trên hành trình mà nó đi ngang qua. Những cái cây trụ lại được là những cái cây có gốc rễ chắc chắn nhất. Trong vòng 2 năm vừa qua, với những khó khăn mà cộng đồng phải trải qua, BSSC đã tận dụng tất cả các nguồn lực có thể để chuyển đổi các hoạt động lên online, và năm nay, khi các hoạt động offline được tổ chức trở lại, đánh dấu một bước phát triển mới của Startup Wheel cũng như của BSSC khi vừa có những sân chơi online và offline cộng hưởng với nhau. Nếu startup phải tăng tốc và chạy đua trên hành trình của mình, thì BSSC với tư cách là đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp, cũng phải tăng tốc để có thể chạy bằng hoặc cao hơn tốc độ của các bạn, mới hỗ trợ được cho các bạn trên hành trình khởi nghiệp của mình”.
Khi cơn bão đi qua - Chúng ta sẽ làm gì?
Anh Trần Thanh Tùng - Micro KOL Lĩnh vực Khởi nghiệp, tâm sự: “Từ đầu 2022, khi làm kinh doanh thì Tùng rút ra được kinh nghiệm là mình phải đảm bảo doanh thu của mình 50% phải đến từ online. Trước đây Tùng học công nghệ thông tin nên giờ có thể xoay sở được và hiện tại doanh thu của Tùng đã 70% là từ Online rồi”.

Với Bánh mỳ Má Hải, có vẻ chuyển đổi số khó phù hợp với việc bán bánh mỳ, tuy nhiên, anh Đoàn Văn Minh Nhựt - Co-Founder Bánh mỳ Má Hải, chia sẻ: “Điều không tưởng đó mà lại xảy ra. Lúc TP Hồ Chí Minh ra chỉ thị 16, hầu như tất cả các điểm bán bên của Nhựt đều phải đóng cửa. Lúc đó nếu như không bán hàng online, thì 100% doanh thu các tháng đó của Bánh mỳ Má Hải là bằng 0. Chuyển đổi số đã cứu vãn doanh số của Bánh mỳ Má Hải khi đó. Đội ngũ của Nhựt đã phải thay đổi để phù hợp hơn. Nhưng mà không phải tất cả doanh nghiệp đều thành công khi chuyển đổi số, vì vậy chủ doanh nghiệp phải cân nhắc về chuyển đổi số và biết được giai đoạn nào nên chuyển đổi số để mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất”.

13-1648552307.jpg
 
14-1648552341.jpg
 
15-1648552361.jpg
Các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp đặt câu hỏi và trao đổi với 3 diễn giả tại “We Will Win - Phục hồi kinh tế sau đại dịch” diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. 

Cùng với quan điểm đó, chị Nguyễn Thị Diệu Hằng - Giám đốc BSSC, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP Hồ Chí Minh (YBA) chỉ ra 3 điểm chính trong chuyển đổi số, bao gồm: Chuyển đổi đầu tiên là phải chuyển đổi con người, phải chuyển đổi tư duy và thói quen của con người. Trong chuyển đổi số thì chuyển đổi mới là quan trọng, khi chuyển đổi được tư duy thì Chuyển đổi số mới mang lại hiệu quả; Chuyển đổi số phải hiệu quả, phải phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp, đừng dùng một con dao quá lớn để cắt một miếng thịt nhỏ; Sự tỉnh táo là quan trọng, cái gì nên chuyển đổi số, cái gì không cần thiết thì không nên làm, phải tỉnh táo và không theo trào lưu, phải phù hợp và mang tính hiệu quả”.

Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) đã phát động cuộc thi Startup Wheel 2022 đến các bạn trẻ yêu thích khởi nghiệp. Theo đó, Startup Wheel 2022 đã chính thức “lăn bánh” mùa thứ 10, dự kiến sẽ phủ sóng hơn 20 quốc gia tại 5 châu lục với gần 2.000 hồ sơ đăng ký tham gia. 
Startup Wheel 2022 chào đón startup quốc tế có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và Đông Nam Á, doanh nghiệp khởi nghiệp Việt, nhà nghiên cứu, cá nhân, nhóm khởi nghiệp, sinh viên và các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp.

Startup Wheel 2022 sẽ là cuộc cạnh tranh của 2 bảng dự thi, bao gồm: Bảng Việt Nam và Bảng Quốc tế. Trong đó, Bảng Việt Nam là: Cuộc thi được phát động và tiếp nhận đăng ký trên toàn lãnh thổ lãnh thổ Việt Nam, không giới hạn độ tuổi; Bảng Quốc tế là: Cuộc thi sẽ được truyền thông rộng rãi và hợp tác với hơn 150 đối tác quốc tế để thu hút sự tham gia của các startup đến từ hơn 20 Quốc gia như: Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Malaysia, Úc ….

Đánh giá ý tưởng, phản hồi sản phẩm/dịch vụ cho dự án khởi nghiệp. Vietnam Startup Day 2022 (chặng cuối của cuộc thi Startup Wheel 2022) dự kiến thu hút hơn 15.000 người bao gồm doanh nhân, nhà đầu tư, cộng đồng yêu thích khởi nghiệp…Dự án startup có cơ hội tiếp cận trực tiếp khách hàng tiềm năng: Kiểm nghiệm sản phẩm/dịch vụ, lấy feedback và thu thập database. Đây là cơ hội cọ xát quý giá trước khi startup chính thức thương mại hoá sản phẩm, dịch vụ. 

Chị Bùi Thị Thanh Tú - Trưởng phòng Truyền thông của BSSC, cho biết: “Startup Wheel là trạm tiếp nhiên liệu quan trọng giúp startup thành công”. Startup Wheel được đánh giá là một trong những cuộc thi khởi nghiệp chuyên sâu và lớn nhất Đông Nam Á. Tham gia Startup Wheel, các dự án có thể tiếp cận tất cả những nguồn lực tối quan trọng”.
                                                                                                                                                                 

Đạm Quang Lê