Để chào đón khách du lịch trong và ngoài nước, từ ngày 18/3, Thủ đô Hà Nội sẽ mở lại không gian đi bộ tại khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Đây là những hình ảnh sống động khẳng định Việt Nam đã chính thức mở cửa du lịch, chính thức mở rộng cánh cửa đón cơ hội phục hồi nền kinh tế.
Thực tế trong gần 2 năm qua, việc đóng cửa du lịch quốc tế để tập trung phòng chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe người dân, Việt Nam đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm vừa chống dịch vừa giữ ổn định nền kinh tế.
Dấu ấn lớn nhất đó là từ tháng 10/2021, Việt Nam đã thay đổi chiến lược từ phương châm "Zero COVID" chuyển sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" khi bao phủ tiêm phòng vaccine tới toàn dân.
Chiến lược này đã lập tức xóa tan những băn khoăn lo ngại của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư về một nền kinh tế chậm phục hồi. Các khu công nghiệp trên cả nước đã trở lại guồng quay sản xuất, các cửa hàng, dịch vụ đang dần lấp đầy những khoảng trống do ảnh hưởng của các đợt giãn cách xã hội, các công sở trở lại nhịp độ làm việc, khu du lịch liên tiếp đón chào những đoàn khách du lịch nội địa và tới đây là các đoàn khách quốc tế.
Bỏ qua dự báo thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã thu hút những dự án lớn, như Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) xây dựng nhà máy mới quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD tại tỉnh Bình Dương. Dự án "Đầu tư xây dựng hạ tầng khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh (Singapore)", Dự án "Nhà máy Chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện (Goertek)" điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 1,3 tỷ USD tại Khu công nghiệp Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Với sự ổn định chính trị, việc Chính phủ quyết định mở cửa du lịch và ngay trong ngày đầu tiên sự kiện này, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ về việc miễn thị thực có thời hạn cho công dân một số nước sẽ tạo niềm tin cho cộng đồng nhà đầu tư, khách du lịch quốc tế về một điểm đến an toàn và hấp dẫn trong bối cảnh dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng bày tỏ tin tưởng, mở cửa du lịch nhiều khách quốc tế sẽ đến với đất nước Việt Nam tươi đẹp, thanh bình và thân thiện, mến khách.
Tuy nhiên, dù cánh cửa du lịch đã mở nhưng lối đi dường như vẫn còn khấp khểnh bởi vẫn còn những trở ngại. Đó là sự thiếu hụt lao động làm du lịch có kinh nghiệm, hạ tầng du lịch chưa đồng đều, sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, phù hợp với bối cảnh mới. Các trang tin liên quan của Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cần đăng tải rõ, nhấn vào các chính sách mới và có đầu mối/hotline để tương tác hiệu quả với du khách…
Điều này đòi hỏi các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương giải quyết để không còn sự e ngại của du khách khi muốn tới Việt Nam.
Có thể nói, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh, việc mở cửa du lịch sẽ là bàn đạp để Việt Nam nhanh chóng phục hồi nền kinh tế./.