Quảng cáo #128

Vườn Quốc gia Côn Đảo có thêm Danh hiệu cây Di sản và Bằng xác lập kỷ lục sân chim Hòn Trứng

Nhân kỷ niệm “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được đón nhận Danh hiệu cây Di sản và Bằng xác lập kỷ lục sân chim Hòn Trứng. Đây là dịp giới thiệu và quảng bá đa dạng sinh học của huyện Côn Đảo cho phát triển du lịch.
vuon-quoc-gia-con-dao-6-1732844546.jpg
Cây sao đen được gắn biển công nhận cây di sản. (Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)

Nhân kỷ niệm “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” (28/11/1959-28/11/2024), chiều 28/11, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) tổ chức Lễ đón nhận Danh hiệu cây Di sản và Bằng xác lập kỷ lục sân chim Hòn Trứng Vườn quốc gia Côn Đảo.

Sự kiện trên đánh dấu những nỗ lực của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường bền vững. Đồng thời còn là dịp giới thiệu và quảng bá đa dạng sinh học của huyện Côn Đảo cho phát triển du lịch.

Theo đó, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận 24 cây Di sản cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo.

vuon-quoc-gia-con-dao-1-1732844613.jpg
Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam trao bằng Công nhận cây di sản cho Vườn Quốc gia Côn Đảo.(Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)

Cụ thể, công nhận 1 cây Bàng tại Hòn Bảy Cạnh, 237 tuổi, chu vi 7m, cao 17m; 1 cây Bàng tại Bãi Ông Đụng, 155 tuổi, chu vi 4,6m, cao 14m, 1 cây Sao đen tại Bãi Dài có tuổi đời 237 năm, chu vi 7,9m, cao 25m và quần thể 21 cây Phong ba tại Hòn Cau, tuổi đời 119 tuổi, chu vi lớn nhất 274m. Như vậy tính đến nay, toàn huyện Côn Đảo  có 105 Cây Di sản, bao gồm Bàng, Bằng lăng, Thị, Nhội, Cóc đỏ…

Cùng ngày, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng trao chứng nhận xác lập kỷ lục Hòn Trứng là sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam cho Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo.

vuon-quoc-gia-con-dao-2-1732844648.jpg
Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao kỷ lục “Hòn Trứng Vườn quốc gia Côn Đảo - Sân chim biển có mật độ sinh sản nhiều nhất Việt Nam”.(Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)

Hòn Trứng có diện tích gần 2 ha, là đảo chỉ có cỏ bụi và đá, cách trung tâm huyện Côn Đảo khoảng 20 km. Nơi này ghi nhận nhiều loài chim biển di cư về làm tổ, đẻ trứng như nhàn lưng đen, nhàn mào lớn, nhàn đầu xám, chim điên bụng trắng, yến hông trắng.

Các loài chim biển làm tổ khắp đảo và bay lượn trên mặt biển tìm mồi, đẻ trứng, chăm sóc con non. Có thời điểm Hòn Trứng ghi nhận vài chục nghìn trứng chim biển, với mật độ trung bình 4,88 trứng/m2.

vuon-quoc-gia-con-dao-3-1732844681.jpg
Quần thể chim biển tại Sân chim Hòn Trứng, Vườn Quốc gia Côn Đảo.(Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo cho biết, lễ đón nhận danh hiệu Cây Di sản và bằng xác lập Kỷ lục Sân chim Hòn Trứng tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Đây không chỉ là một dấu ấn cho sự phát triển bền vững của môi trường tự nhiên mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và di sản văn hóa.

Lễ đón nhận và xác lập cũng đánh dấu những nỗ lực của Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên. Đồng thời là dịp để giới thiệu và quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Côn Đảo với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng nhiều loài động thực vật đặc hữu.

vuon-quoc-gia-con-dao-5-1732844714.jpg
Các loài chim biển làm tổ khắp đảo Hòn Trứng và bay lượn trên mặt biển tìm mồi, đẻ trứng, chăm sóc con non. (Ảnh: Vườn quốc gia Côn Đảo)

Sự kiện này cũng là dịp để giới thiệu và quảng bá tiềm năng du lịch sinh thái của Vườn quốc gia Côn Đảo. Du khách không chỉ được tham quan và khám phá cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn có cơ hội tìm hiểu về các loài động thực vật đặc hữu, cũng như tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Đây là một hình thức du lịch bền vững, mang lại lợi ích không chỉ cho du khách mà còn cho cộng đồng địa phương và hệ sinh thái./.

Bình Nguyên