Ngày 6/10, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, Hội đồng Cây di sản Việt Nam (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) vừa phê duyệt thêm một số cây trên địa bàn huyện Côn Đảo đạt tiêu chí cây di sản. Cụ thể, Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận 24 cây di sản cho Côn Đảo, nâng tổng số cây di sản trên toàn đảo lên 103 cây.
Trước đó, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã trình duyệt hồ sơ đề nghị công nhận 71 cây trên phạm vi quản lý là cây di sản. Qua đó, Hội đồng đã công nhận 24 cây đủ tiêu chí gồm: một cây bàng tại hòn Bảy Cạnh, một cây bàng tại bãi Ông Đụng, một cây sao đen tại bãi Dài và quần thể 21 cây Phong Ba tại Hòn Cau.
Cây bàng tại hòn Bảy Cạnh có tuổi đời khoảng 237 năm, cao khoảng 17m và có chu vi khoảng 7m. Cây bàng tại bãi Ông Đụng nhỏ hơn với tuổi đời khoảng 155 năm, cao 14m. Còn cây sao đen có tuổi đời khoảng 237 năm, cao đến 25m với chu vi 7,9m. Còn trong cụm 21 cây Phong Ba có cây đạt 119 năm tuổi, chu vi lớn nhất đo được 2,74m.
Theo ông Nguyễn Khắc Pho, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo, 24 cây di sản được công nhận đợt này có nhiều loài khác nhau, tại nhiều vị trí thuộc Vườn quản lý.
Việc công nhận thêm 24 cây di sản nâng tổng số cây di sản tại Côn Đảo lên 103 cây. Hiện, tất cả các cây di sản này đều được bảo vệ và sinh trưởng tốt. Đây không chỉ là những minh chứng lịch sử về hòn đảo cách mạng mà còn là điểm du lịch yêu thích của du khách khi tới đây.
Trong số các cây di sản tại Côn Đảo, nhiều nhất là cây bàng với số lượng 45 cây. Bàng được trồng nhiều tại Côn Đảo và có nhiều tuyến đường có cây bàng cổ thụ. Phần lớn các cây bàng cổ thụ có tuổi đời hơn 150 năm (tính từ khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù vào năm 1862). Ngoài ra, các loài cây di sản khác tại đây gồm nhội, cóc đỏ, thị rừng, phong ba, bằng lăng, nhãn, điệp bèo, me tây, lim vàng.
Không chỉ sở hữu dáng vẻ to lớn, sum suê, với lớp da xù xì nhuốm màu thời gian trên gốc, thân, cành và nhánh, cây di sản Côn Đảo còn nổi bật với những bướu lớn nổi lên trên thân gần gốc, tạo nên hình dáng độc đáo và bắt mắt. Đặc biệt, điều kiện khắc nghiệt của nắng và gió hải đảo đã tạo nên những dáng thế đặc biệt cho cây di sản nơi đây. Cây di sản Côn Đảo, kết hợp với nét rêu phong của bờ tường, nhà tù và bức vách, trở thành đề tài sáng tác hấp dẫn cho giới nhiếp ảnh và du khách.
Thời gian qua, huyện Côn Đảo, Vườn quốc gia Côn Đảo và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành trên địa bàn đã khai thác thành tour “Hành trình về cây di sản”, vừa trải nghiệm vẻ đẹp của rừng vừa giáo dục cộng đồng, chung tay bảo vệ thiên nhiên, môi trường./.