Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, VN-Index tiếp tục thất bại trong việc chinh phục ngưỡng 1.400 điểm, khi đứng ở mức 1.395,33 điểm, giảm nhẹ 0,2 điểm so với phiên trước đó. Áp lực bán mạnh xuất hiện ở vùng 1.400 điểm đã khiến chỉ số này có lúc đảo chiều lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Toàn sàn HOSE chỉ có 188 mã tăng giá, trong khi có tới 245 mã giảm giá và 50 mã đứng ở mốc tham chiếu.
Lý giải nguyên nhân VN-Index chưa thể vượt ngưỡng 1.400 điểm, ông Lê Quang Minh - Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty Chứng khoán Mirea Asset Việt Nam cho rằng, vào ngày 21/10 tới đây, thị trường chứng khoán có phiên đáo hạn phái sinh. Thông thường vào ngày này, thị trường sẽ có biến động rất mạnh. Chưa kể, tin xấu về kết quả kinh doanh quý III của nhiều doanh nghiệp niêm yết vẫn chưa công bố đã tạo tâm lý do dự, thận trọng nhất định trong giới đầu tư. Thị trường chứng khoán theo đó vẫn chưa thể vượt ngưỡng cản tâm lý 1.400 điểm ngay trong tuần này mà cần thêm thời gian tích lũy, kiểm định.
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HSC) cũng cho rằng, sự kiện đáo hạn phái sinh có thể sẽ là biến số khiến diễn biến thị trường trở nên khó thuận lợi như những gì đang có. Sự thay đổi trạng thái của các cổ phiếu trụ, có trọng số lớn trong rổ chỉ số có thể sẽ làm tăng tính gay cấn và biến động của xu thế thị trường lên nhiều lần.
Theo Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), xu hướng chung của VN-Index trong những phiên tới sẽ vẫn là tiếp tục vận động tích lũy đi ngang trong vùng từ 1.380 – 1.400 điểm. Trong các phiên tiếp theo, áp lực chốt lời nhiều khả năng sẽ lại xuất hiện trong bối cảnh chỉ số đang trong quá trình tìm kiếm động lực để bứt phá tiếp.
Nhà đầu tư vẫn có thể tiếp tục tích lũy dần các cổ phiếu mục tiêu trong những phiên tới, nhưng cần tránh mua đuổi mà có thể lựa chọn giải ngân từ từ khi giá cổ phiếu rơi về những vùng hỗ trợ ngắn hạn trong phiên.
Tuy ngưỡng 1.400 điểm chưa thể chinh phục trong thời điểm này, song các chuyên gia đều nhận định xu hướng tăng của thị trường trong những tháng cuối năm. Trong Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán quý IV/2021 của VCBS mới phát hành nhận định, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định với mặt bằng lãi suất thấp vẫn là các yếu tố hỗ trợ đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới.
Mặt khác, VCBS cho rằng, hoạt động trong nền kinh tế dần trở lại bình thường theo lộ trình gỡ bỏ các biện pháp giãn cách, thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn thu hút dòng tiền từ nhiều nhà đầu tư trong nước, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng kênh đầu tư hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện tại.
Dù xu hướng bán ròng của khối ngoại nhiều khả năng chưa thể sớm đảo chiều ngay trong quý IV/2021, VN-Index nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp tục đi lên chậm rãi trong những tháng cuối năm với thanh khoản có thể giảm nhẹ so với quý III nhưng vẫn ở mức cao.
“Chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục thiết lập những mức đỉnh mới trong phần còn lại của năm 2021 hướng đến ngưỡng 1.500 điểm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng áp lực “rung lắc” nhiều khả năng sẽ gia tăng mạnh kể từ vùng điểm số 1.450 trở lên và theo sau đó chỉ số có thể ghi nhận một nhịp điều chỉnh giảm khá mạnh trong khoảng từ 100-200 điểm”, báo cáo của VCBS nhận định.
Với việc nhiều cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm nay, VCBS cho rằng xu hướng biến động của các cổ phiếu sẽ có sự phân hóa nhất định trong giai đoạn cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát trong quý III/2021 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực đến một số mặt của nền kinh tế.
Xu hướng giao dịch sôi động ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ mang tính đầu cơ cao nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn trong những tháng cuối năm và thu hút dòng tiền đầu cơ - đặc biệt là của nhà đầu tư cá nhân. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ có sự phân hóa rõ ràng hơn giữa các cổ phiếu trong cùng ngành dựa trên tăng trưởng kết quả kinh doanh cũng như “câu chuyện riêng” của từng doanh nghiệp.
Ở một khía cạnh khác, dù không thể phủ nhận đợt bùng phát dịch COVID-19 đã để lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước sẽ dần phục hồi trong những quý tới. Nhu cầu nhiều loại hàng hóa ở các thị trường nước ngoài cũng sẽ gia tăng trong mùa mua sắm cuối năm; trong đó có nhiều mặt hàng là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, nhóm doanh nghiệp tiềm năng trong quý IV/2021 sẽ là các đơn vị sản xuất hướng tới xuất khẩu, cấp dịch vụ phụ trợ cho hoạt động xuất khẩu như vận tải hoàng hóa nội địa, cảng biển – logistics...
Doanh nghiệp sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng sẽ là nhóm hồi phục nhanh nhất khi Việt Nam đạt được đủ tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 và các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng hóa cơ bản và hóa chất như nhóm phân bón, sản phẩm nông nghiệp, sản xuất điện, khai thác dầu khí... Cuối cùng là các doanh nghiệp có “câu chuyện riêng” liên quan đến hoạt động tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới và chuyển sàn.