Hội chợ năm nay quy tụ hơn 200 gian hàng đến từ gần 150 doanh nghiệp và tổ chức trong nước và quốc tế, khẳng định sức hút và tầm vóc ngày càng lớn mạnh của VietShrimp. Trong ba ngày diễn ra (26-28/3/2025), hội chợ hứa hẹn mang đến những cơ hội hợp tác, trao đổi kiến thức và công nghệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành tôm Việt Nam theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Với chủ đề "Xanh hóa vùng nuôi", VietShrimp 2025 không chỉ là nơi giới thiệu những công nghệ tiên tiến mà còn là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nuôi tôm cùng nhau tìm kiếm giải pháp cho một tương lai xanh, bền vững.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS. Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam, nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành tôm trong sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà. Theo số liệu thống kê năm 2024, sản lượng tôm cả nước đạt 1,264 triệu tấn, tăng 5,3% so với năm 2023. Trong đó, tôm sú đạt 284.000 tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 980.000 tấn, mang về kim ngạch xuất khẩu hơn 4 tỷ USD, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước. "Con tôm không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao cho người nuôi mà còn đóng góp đáng kể vào ngân sách quốc gia", TS. Thắng khẳng định.
Trước những thách thức đặt ra, "xanh hóa vùng nuôi" trở thành giải pháp then chốt để phát triển ngành tôm một cách hiệu quả và bền vững. Theo đó, ngành nông nghiệp đang tập trung vào việc nâng cao năng suất, chất lượng tôm nuôi, đồng thời tìm kiếm những giải pháp mới, khả thi để giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đến nay, cả nước có hơn 750.000 ha nuôi tôm, trong đó trên 200.000 ha được nuôi theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp như tôm - rừng, tôm - lúa. Hàng chục nghìn ha tôm nuôi theo hướng này đã được các tổ chức quốc tế chứng nhận và sản phẩm xuất khẩu đã chứng minh được ưu thế tại nhiều thị trường lớn, khó tính.
"Chúng tôi mong muốn VietShrimp 2025 sẽ là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà kinh doanh và nhà nông cùng ngồi lại, tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất để đưa ngành tôm Việt Nam phát triển hiệu quả và bền vững", TS. Thắng chia sẻ. "Đây là giải pháp đảm bảo duy trì đà tăng trưởng của ngành thủy sản, vừa đảm bảo sinh kế lâu bền cho nông dân, đồng thời giúp tôm Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường tôm toàn cầu".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số để "xanh hóa vùng nuôi". Ông cho rằng, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nuôi tôm.

Trong khuôn khổ VietShrimp 2025, bốn phiên hội thảo chuyên đề sẽ được tổ chức với các chủ đề nóng hổi như phát triển xanh hóa ngành tôm Việt Nam, nuôi tôm giảm phát thải, phát triển chuỗi cung ứng ngành tôm và tăng công nghệ, giảm chi phí trong nuôi tôm. Các phiên hội thảo sẽ có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia hàng đầu trong ngành thủy sản, các doanh nghiệp, cộng đồng người nuôi tôm và sinh viên chuyên ngành thủy sản.
VietShrimp 2025 không đơn thuần là một hội chợ triển lãm, mà còn là nơi hội tụ các bên liên quan để cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm các giải pháp cho sự phát triển bền vững của ngành tôm Việt Nam. Bên cạnh đó, "Xanh hóa vùng nuôi" cũng được xem là xu hướng tất yếu và là chìa khóa để ngành tôm Việt Nam vươn mình mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đồng thời bảo vệ môi trường và đảm bảo sinh kế cho người nuôi tôm./.