Ngành tôm hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ số

Để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, Logistic, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản…
phat-trien-nganh-tom-01-1708736605.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024.(Ảnh BTC)

Việt Nam xuất khẩu tôm sang 100 thị trường

Ngày 23/2, tại tỉnh Bạc Liêu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2024. Chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến và Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều.

Tham dự Hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội, UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương.

Theo Cục Thủy sản, năm 2023, cả nước sản xuất được 10.094 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ; 20.000 con tôm sú bố mẹ phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, bằng 90,1% so với năm 2022. Diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737 ngàn ha, cơ bản không tăng so với năm 2022. Năm 2024, nhu cầu tôm bố mẹ cần khoảng 260.000-270.000 con; tôm giống khoảng 140-150 tỷ con. Diện tích nuôi tôm đạt 737.000 ha. Sản lượng tôm các loại ước đạt hơn 1 triệu tấn; Kim ngạch xuất khẩu đạt từ 4,0-4,3 tỷ USD.

phat-trien-nganh-tom-03-1708736589.jpg
Xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024. (Ảnh minh họa)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam cũng cho biết, năm ngoái, Việt Nam đứng Top 12 doanh nghiệp xuất khẩu, chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành tôm; xuất khẩu tôm sang 100 thị trường so với 102 thị trường cùng kỳ năm 2022. Trong năm 2024, biến đổi khí hậu vẫn là vấn đề cần quan tâm giải quyết trong sản xuất tôm; chi phí đầu tư đầu vào vẫn tiếp tục tăng cao hơn so với các nước. Chính vì vậy, Việt Nam sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong cạnh tranh về giá với các nước Ecudor và Ấn độ. Dù vậy, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ phục hồi và tăng nhẹ từ 10-15% vào năm nay.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi và tăng trưởng nhẹ trong năm 2024, với mức từ 10% đến 15% bởi kinh tế của các nước có nhu cầu tiêu thụ tôm dần hồi phục; các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu. Ngoài ra, nhu cầu sản phẩm có nguồn protein từ thủy sản đang dần thay thế nguồn protein từ động vật, nên trong thời gian tới thủy sản, đặc biệt là tôm, có cơ hội phát triển.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương và đơn vị, doanh nghiệp cũng đã có nhiều tham luận, trao đổi, đánh giá kết quả sản xuất, những thuận lợi, khó khăn, thách thức của hoạt động sản xuất, nuôi tôm nước lợ và bàn các giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống, tôm thương phẩm; bảo vệ môi trường, xây dựng các vùng nuôi, cơ sở an toàn dịch bệnh, nhất là các vấn đề về liên kết, chế biến tôm nhằm giảm giá thành sản xuất.

Ngành tôm cần bắt kịp xu hướng phát triển xanh và bền vững

Phát biểu tham luận tại hội nghị, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau chỉ đạt hơn 900 triệu USD. Từ đó cho thấy, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Cà Mau thời gian gần đây chậm. Nguyên nhân, do diện tích nuôi tôm phổ biến ở Cà Mau là nhỏ lẻ, tình hình nuôi còn mang tính tự phát, liên kết hợp tác sản xuất chậm phát triển và chưa bền vững, khó ứng dụng khoa học công nghệ, dẫn tới năng suất thấp, hiệu quả chưa cao so với các địa phương khác. Đồng thời, giá thành hiện nay là vấn đề lớn của ngành tôm, nếu không có biện pháp trước mắt và lâu dài khắc phục thì khó khăn còn phải đối mặt trong 2024 và trong thời gian tới”.

“Rà soát, hoàn thiện phương án quy hoạch phát triển ngành tôm, quản lý hiệu quả quy hoạch; phối hợp với các địa phương rà soát tình hình thực tế để xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất tôm nuôi; tập trung phát triển nuôi tôm sinh thái, hữu cơ, tôm - lúa có chứng nhận gắn với liên kết, nâng cao giá trị gia tăng; nghiên cứu tìm giải pháp giảm giá thành, nâng cao hiệu quả mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, xem đây là giải pháp đột phá về sản lượng. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với các tiêu chuẩn chứng nhận để nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường…”, ông Lê Văn Sử đề xuất một số giải pháp.

Đánh giá kết quả nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Bên cạnh những kết quả đạt được, Ngành tôm Bạc Liêu đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài những khó khăn thử thách thường niên như biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thì ngành Thuỷ sản Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung phải đối mặt với tình trạng giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, điều này đã tác động rất lớn đối với nghề nuôi tôm của tỉnh, trong khi đó giá vật tư đầu vào lại tăng cao đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi. Đồng thời, cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tăng cường các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ phát triển ngành tôm cho tỉnh Bạc Liêu (điện, thủy lợi, hạ tầng giao thông,...); sớm triển khai dự án Hệ thống công trình điều tiết, bổ sung nước phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A; Ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện cơ sở nuôi và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao...”.

phat-trien-nganh-tom-02-1708736670.jpg
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh BTC)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến ghi nhận và biểu dương các địa phương đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, trở ngại để hoàn thành các mục tiêu sản xuất và xuất khẩu tôm nước lợ trong năm qua.

“Với sản lượng phấn đấu là 1,12 triệu tấn thì chúng ta hy vọng là sẽ có một sản lượng tăng lên để xuất khẩu sang các thị trường châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và đặc biệt là sẽ tập trung vào thị trường Hà Lan để giá trị xuất khẩu, giá trị gia tăng của chúng ta cao hơn. Năm nay toàn ngành thủy sản phấn đấu 10,5 tỷ đô. Tôi tin tưởng với cách tổ chức sản xuất, quản lý nhà nước, cái khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và đầu tư hạ tầng, chúng ta sẽ có kết quả là về đích được cái mục tiêu đề ra trong năm 2024” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị, để nâng cao hơn nữa giá trị từ con tôm và định hướng phát triển ngành tôm bền vững, các địa phương cần chú ý đến sự liên kết trong chuỗi sản phẩm từ giống, sản xuất đến tiêu thụ. Theo đó, các địa phương, nhất là vùng ĐBSCL cần chú ý đến việc xây dựng chất lượng nguồn giống đạt chất lượng cao để chủ động trong sản xuất và giảm chi phí trong quá trình nuôi và hạn chế dịch bệnh. Cùng đó, cần đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, phục vụ phát triển vùng nuôi, Logistic, hướng đến sản xuất xanh, ít phát thải và ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản./.

Bình Nguyên