Việt Yên (Bắc Giang): Thôn Khả Lý Thượng hoàn thành đầu tiên mô hình thôn thông minh 

Thôn Khả Lý Thượng thuộc xã Quảng Minh huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang trở thành thôn thông minh đầu tiên của tỉnh năm 2022, hoàn thành 2 chỉ tiêu chính: Định danh điện tử cho công dân và hoàn thiện sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Đưa công nghệ số vào cuộc sống, thu hẹp dần khoảng cách nông thôn- thành thị, cuộc sống của người dân ngày càng phát triển. 

Lợi ích từ mô hình thôn thông minh

Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng được chọn xây dựng mô hình thôn thông minh. Trong thôn hiện có hơn 1 nghìn hộ dân với hơn 4 nghìn nhân khẩu. Thu nhập chính của người dân từ trồng lúa, dịch vụ buôn bán nhỏ và làm công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, nhưng với sự năng động, tích cực áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và chế biến các sản phẩm nông nghiệp nên thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt hơn 64,3 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức bình quân chung cả tỉnh. 

thon-kha-ly-thuong-1674627579.jpg
Thôn Khả Lý Thượng hoàn thành mô hình thôn thông minh đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. (Ảnh:baobacgiang)

Để tạo thuận lợi cho việc giao dịch, bán sản phẩm, nhiều hộ dân, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc bán hàng trực tuyến, cung cấp hóa đơn điện tử và giao dịch với khách hàng bằng hình thức chuyển khoản, thay vì tiền mặt, rất thuận lợi. Có thu nhập cao, người dân đóng góp hàng tỷ đồng để sửa sang, nâng cấp, xây mới các công trình nhà văn hóa, như: Khu di tích chùa Vĩnh Hưng (năm 2021), đền thờ Tiến sĩ Đỗ Đồng Dần (năm 2022), lắp đặt wifi miễn phí phục vụ người dân tại nhà văn hóa thôn.

Một trong những hộ gia đình tiêu biểu của thôn Khả Lý Thượng trong việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh, chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM) phải kể đến hộ ông Trần Sỹ Quảng. Dù đã gần 80 tuổi nhưng ông Quảng luôn hăng hái đi đầu khi được vận động làm thẻ định danh cá nhân điện tử, xây dựng thôn thông minh. Hàng ngày ông vẫn đọc báo, tìm kiếm thông tin qua điện thoại di động. Ông Quảng chia sẻ: "Xây dựng thôn thông minh là xu thế phát triển tất yếu của nông thôn Việt Nam. Trong đó, số định danh cá nhân có vai trò quan trọng và gắn liền với công dân từ khi sinh ra cho đến khi mất đi. Vì thế, việc tích hợp các giấy tờ liên quan đến nhân thân, sức khỏe… giúp người dân giao dịch thuận tiện hơn. Đỡ phải ôm cả đống giấy tờ lên huyện, lên xã mỗi khi có việc liên quan đến các thủ tục hành chính hay khám, chữa bệnh". 

Không chỉ hăng hái đi đầu, ông Quảng còn động viên 10 người con trong nhà cùng làm thẻ định danh cá nhân trong năm 2022.

Hơn chục năm qua, với sự năng động, dám nghĩ dám làm của mình, ông Quảng còn cùng gia đình xây dựng Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Gấc Việt với nhiều loại sản phẩm: Tinh dầu gấc, bột gấc sấy lạnh nguyên chất, bột gấc tươi nguyên chất đông lạnh, màng hạt gấc sấy khô và dầu xoa bóp từ hạt gấc xuất khẩu sang Mỹ, Úc… với tổng sản lượng hàng chục tấn/năm, tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương. Điều đáng nói là hầu hết các khâu sản xuất, giao dịch, bán hàng, thanh toán của HTX được áp dụng công nghệ thông tin. Trong năm 2022, sản phẩm "Tinh dầu gấc" và bột gấc sấy lạnh nguyên chất của HTX được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm được gắn tem truy xuất nguồn gốc QR Code, được bán trực tuyến trên website riêng của HTX. Cho phép người tiêu dùng truy vết, thu thập thông tin chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối.

Được sự đồng thuận to lớn của người dân cũng như sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, thôn Khả Lý Thượng đã trở thành thôn thông minh đầu tiên của tỉnh với 2 chỉ tiêu chính: Định danh điện tử cho công dân và hoàn thiện sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc.

Hoàn thành tiêu chí xây dựng mô hình thôn thông minh 

Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình “thôn thông minh”. Theo quy định của bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và thôn thông minh, Khả Lý Thượng phải hoàn thành 2 chỉ tiêu, gồm: Thôn phải có từ 25% dân số sử dụng định danh cá nhân điện tử trở lên và xây dựng ít nhất 1 mô hình sản xuất ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh, hoặc mô hình triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử.

Bí thư Chi bộ thôn Khả Lý Thượng bà Nguyễn Thị Đăng chia sẻ: "Khi nhận nhiệm vụ, Chi ủy Chi bộ, Ban quản lý thôn không khỏi lo lắng bởi công việc xây dựng thôn thông minh chưa có tiền lệ. Việc áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hay đăng ký xây dựng định danh cá nhân điện tử cũng cần phải có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, ở làng quê, không phải ai cũng có điện thoại thông minh và biết sử dụng các phần mềm liên quan đến công nghệ thông tin, đặc biệt là người cao tuổi. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người chưa hiểu tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, xây dựng mô hình thôn thông minh".

Sau khi nhận được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban quản lý thôn Khả Lý Thượng tiến hành rà soát, thực hiện phương châm vừa tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trong hội nghị của chi bộ và các đoàn thể, vừa yêu cầu đảng viên gương mẫu, đồng thời đến từng hộ có điện thoại thông minh, hộ có người uy tín vận động làm định danh cá nhân trước để bà con học tập làm theo. Bên cạnh đó, Khả Lý Thượng còn thành lập tổ tư vấn cộng đồng, phối hợp với các đoàn thể, đảng viên sinh hoạt nơi cư trú và khối phụ huynh trong các trường học trên địa bàn cùng vận động bà con tham gia làm định danh cá nhân, hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử.

Nhờ cách làm này, đến nay, Khả Lý Thượng có hơn 27,5% dân số được tích hợp thông tin cơ bản về nhân thân thông qua mã định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia, vượt chỉ tiêu hơn 2,5%. Tỷ lệ người được quản lý sức khỏe đạt 99,8%; người tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt 41%; dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử đạt 78%. Khả Lý Thượng tiếp tục được đầu tư nâng cấp hệ thống điện chiếu sáng, hạ tầng Internet cáp quang tốc độ cao phục vụ phát triển kinh tế số. HTX Nông nghiệp Gấc Việt được xã Quảng Minh và thôn Khả Lý Thượng lựa chọn xây dựng thành mô hình sản xuất tiêu biểu, có sản phẩm được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc, phù hợp với chỉ tiêu thôn thông minh.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Minh cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống đang ngày càng phổ biến ở khu vực nông thôn. Nhờ có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân, đến nay Khả Lý Thượng đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng thôn thông minh, giúp người dân ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống thường nhật, tiếp cận nhanh hơn cơ sở dữ liệu liên quan đến đất đai, môi trường, dịch vụ công trực tuyến… Đồng thời giúp xã Quảng Minh sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh trong năm 2022, góp phần xây dựng nông thôn Bắc Giang ngày càng văn minh, hiện đại./.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định 319/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ điều kiện thực tế, đặc thù của địa phương, ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 theo lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, về giáo dục, về văn hóa, về du lịch, về cảnh quan môi trường, về an ninh trật tự, về chuyển đổi số…) mang giá trị đặc trưng của địa phương và tiêu chí thôn thông minh, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trên địa bàn.

 

Anh Thư