Việt Nam và Philippines hướng tới trở thành đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo

Tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr mới đây. Hai Bộ trưởng nhất trí thành lập liên minh ngành lúa gạo, đồng thời kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo.
vn-plp03-1720592058.jpg
Đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines Francisco Tiu Laurel Jr. Ảnh Mard

Trao đổi tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trong bối cảnh mới hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng và biến đổi khí hậu ngày một rõ nét, ngành lúa gạo Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Việt Nam tập trung nâng cao chất lượng ngành lúa gạo, giảm chi phí đầu vào, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và mở rộng thị trường tiêu thụ, tiến tới xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,13 triệu tấn gạo, với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về kim ngạch so với năm 2022. Trong nửa đầu năm 2024, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Philippines là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam, chiếm 35-40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh thế mạnh về ngành hàng lúa gạo, Việt Nam còn có tiềm năng rất lớn về thủy sản với bờ biển trải dài dọc đất nước. Do vậy, theo Bộ Trưởng Lê Minh Hoan, hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Phi-líp-pin có rất nhiều dư địa để khai thác.

Bày tỏ ấn tượng về ngành lúa gạo của Việt Nam, Bộ trưởng Francisco Tiu Laurel Jr cho biết trong thời gian công tác, đoàn Bộ Nông nghiệp Philippines đã đến Đồng bằng sông Cửu Long tham quan mô hình 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp và mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

lua-gao-viet-nam-1720592149.jpg
Nông dân Hậu Giang thu hoạch lúa. (Ảnh: Hiền Thanh)

Bộ trường Francisco Tiu Laurel Jr đánh giá cao hệ thống sản xuất lúa gạo và hệ thống thủy lợi của Việt Nam được xây dựng rất kiên cố và đảm bảo an toàn cao. Định hướng canh tác bền vững của Việt Nam, kết hợp cơ giới hóa với mục tiêu giảm sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Phương pháp này đơn giản nhưng hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, nông dân tiết kiệm khoản chi phí đáng kể cho vật tư.

Trong tương lai, Philippines mong muốn được học hỏi các kỹ thuật nông nghiệp và nhập khẩu máy móc, vật tư hướng tới nội địa hóa những công nghệ của Việt Nam áp dụng vào ngành nông nghiệp Philippines. Trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng nông nghiệp Philippines muốn trao đổi, kết nối về thủ tục nhập khẩu phân bón của Việt Nam cùng với đó là thúc đẩy nhập khẩu mặt hàng lúa gạo được phát triển hơn trong thời gian tới.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình và kỳ vọng hai nước sẽ sớm chuyển dịch từ quan hệ thương mại sang quan hệ đối tác đầu tư trong ngành hàng lúa gạo. Điều này sẽ cho phép Việt Nam đưa các công nghệ phù hợp để tối ưu hóa chuỗi sản xuất lúa gạo của nước bạn, thay vì xuất khẩu sản phẩm gạo đã xay xát. Thêm nữa, hai Bộ Nông nghiệp có thể khám phá khả năng liên doanh sản xuất lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Đông thời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy sản, căn cứ Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác nghề cá. Việt Nam mong muốn học hỏi Philippines để tăng cường khai thác nguồn nguyên liệu cá ngừ cho các nhà máy chế biến cá ngừ của Việt Nam; phát triển nuôi trồng rong biển, hợp tác nuôi trồng và chế biển rong sụn./.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 6/2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước đạt 650.000 tấn, thu về 416 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,68 triệu tấn, tương ứng với giá trị kim ngạch 2,98 tỉ USD, tăng 10,4% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kỷ lục mới của xuất khẩu gạo Việt Nam. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 636 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm.

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều thị trường top 10 xuất khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Philippines tăng 12% (đạt hơn 1,6 triệu tấn); Indonesia tăng 44% (gần 709.000 tấn); Malaysia tăng 134% (gần 458.000 tấn); Cuba tăng 287% (gần 147.000 tấn); Singapore tăng 44% (91.000 tấn). Một số thị trường cao cấp như Hoa Kỳ cũng tăng 4% (17.000 tấn); Úc tăng 13% (16.500 tấn); Canada tăng 2% (7.200 tấn).

Hương Lan