Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), trên cơ sở phân tích xu hướng phát triển thị trường, công nghệ di động, kết hợp với các mục tiêu quản lý nhà nước và việc thống nhất với các doanh nghiệp di động, ngày 27/9/2022, Bộ TT-TT đã có công văn số 4833/BTTTT-CVT về định hướng triển khai lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G.
Mục tiêu đặt ra là hoàn thành việc dừng công nghệ 2G chậm nhất đến thời điểm tháng 9/2024 là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện.
Bộ TT-TT giao các doanh nghiệp di động căn cứ định hướng xây dựng lộ trình, kế hoạch dừng công nghệ di động 2G, cụ thể phải triển khai các giải pháp chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone 4G/5G, phấn đấu đạt mục tiêu đến cuối năm 2023 chỉ còn dưới 5% thuê bao 2G, đồng thời kế hoạch dừng công nghệ 2G của doanh nghiệp phải bảo đảm cung cấp các dịch vụ thông tin di động liên tục, không gián đoạn; bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khi dừng công nghệ 2G và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ TT-TT cũng đã định hướng để người sử dụng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone, các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam thay đổi định hướng kinh doanh… nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ đã đặt ra, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ TT-TT đặt trọng tâm trong năm 2023 cần có biện pháp thúc đẩy thực hiện mục tiêu mỗi người dân một smartphone nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng 2G, đồng thời góp phần đạt được mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ cũng sẽ phối hợp và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai kế hoạch dừng công nghệ di động 2G theo lộ trình, tăng cường phủ sóng 4G và triển khai 5G. Bộ định hướng nâng cao chất lượng vùng phủ sóng 4G và cải thiện chất lượng dịch vụ 5G.
Tuy nhiên, trong Hội nghị ASEAN về 5G tháng 10/2022, các nước khác có chiến lược phát triển 5G bày tỏ họ cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề, cần phải hợp tác để phát triển như về tiêu chuẩn, công nghệ, an toàn thông tin…
Khó khăn của Việt Nam còn nằm ở việc dù số người dùng smartphone bắt đầu tăng mạnh trong vài năm qua, lượng người sử dụng feature phone (điện thoại cơ bản) vẫn tương đối lớn. Căn cứ vào số thuê bao phát sinh dữ liệu, Việt Nam vẫn còn khoảng 11,7 triệu thuê bao không dùng smartphone hoặc không có nhu cầu sử dụng data trên smartphone.
Nhưng Việt Nam đã thành công nghiên cứu - phát triển và sẵn sàng thương mại hóa thiết bị 5G. Hiện các thiết bị 5G do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã được lắp đặt trên mạng lưới để cung cấp dịch vụ mạng cho người dân sử dụng ở một số khu vực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Kế hoạch tắt sóng 2G được Bộ đề xuất từ cuối năm 2019. Dự kiến, sau khi đủ điều kiện về số lượng người dùng featurephone, Việt Nam có thể ngừng hỗ trợ sóng 2G vào năm 2023. Khi đó, theo tính toán và đề xuất của các nhà mạng, số thuê bao theo 2G chỉ còn khoảng 5%. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để tắt sóng công nghệ cũ.
“Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó. Mỗi người đã có một chiếc điện thoại để nghe gọi. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong số ít những nước có 100% người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử”, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu.
Kế hoạch tắt sóng 2G sẽ nâng tỷ lệ người dân sử dụng smartphone hay tham gia vào các dịch vụ số. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 do Thủ tướng phê duyệt.
Tính đến cuối năm 2022, tại Việt Nam, số thuê bao băng rộng di động /100 dân đến tháng 12/2022 ước đạt 84 thuê bao/100 dân tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021, gần đạt mục tiêu kế hoạch năm 2022 là 85 thuê bao/100 dân.
Doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2022 ước đạt 138.000 tỷ đồng, tăng 1,6% so với năm 2021 và vượt 3,75% so với kế hoạch năm 2022 (133.000 tỷ đồng). Lĩnh vực viễn thông cũng nộp ngân sách ước đạt 48.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với năm 2021và đạt kế hoạch đề ra của năm 2022.