Du lịch nội địa bùng nổ
Số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của du lịch nội địa, lượng khách đạt 60,8 triệu lượt (gấp gần 1,4 lần cùng kỳ năm 2019, khi chưa có đại dịch). Trong đó, có khoảng 8,3 triệu lượt khách lưu trú. Nhiều trung tâm du lịch kín khách, công suất sử dụng buồng phòng đạt 90-95%.
Những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất bao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Nội, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu… Bên cạnh đó, một số điểm đến du lịch có mức tăng trưởng hơn 75% gồm Hạ Long, Sầm Sơn, Đồng Hới, Cửa Lò, Hải Phòng, Ninh Bình…
Tổng cục Thống kê nhận định, do nhu cầu vui chơi và du lịch của người dân tăng cao trong dịp hè nên nhờ đó, doanh thu của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm tăng gần 21% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Google Destination Insights, hiển thị lượng tìm kiếm trong nước về du lịch nội địa ngay từ tháng 5/2022 đã tăng 487% so với cùng kỳ và tiếp tục tăng lên mức 669% trong tháng 6/2022. Đây tín hiệu rất tích cực cho thấy một mùa du lịch Hè sôi nổi, góp phần giúp du lịch nội địa phục hồi nhanh chóng trở lại.
Kết quả tích cực của du lịch nội địa trong thời gian vừa qua đã góp phần hỗ trợ ngành hàng không phục hồi mạnh mẽ. Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) cho hay, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019.
Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội) cho biết, trung bình 10 ngày đầu tháng 6, lượng khách qua sân bay đạt bình quân 89.000 lượt/ngày (trong đó khách nội địa khoảng 80.000 lượt). Những ngày cuối tuần, lượng khách qua Nội Bài còn tăng lên tới hơn 95.000 lượt/ngày.
So với thời điểm Hè năm 2019, sản lượng khách nội địa qua sân bay Nội Bài những ngày này vượt hơn 30%, và vượt 15% so với cao điểm dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5 vừa qua.
Nikkei Asia cũng thông tin, với việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19 thế giới.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, toàn ngành đã lấy lại được tinh thần, phong độ của một ngành kinh tế đang lên. Các cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch đã sôi động trở lại.
Để "cán đích" 5 triệu khách quốc tế
Về du khách quốc tế, trong tháng 6/2022, Việt Nam đón 236.700 lượt người.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam mới đạt 602.000 lượt người, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm gần 93% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Chẳng hạn, 6 tháng đầu năm TP. Hồ Chí Minh đón 11 triệu lượt khách nội địa, nhưng chỉ có 478.000 lượt khách quốc tế; hay như An Giang mới chỉ đón được 700 lượt khách quốc tế, giảm 36% so với cùng kỳ...
Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế, trung bình mỗi tháng còn lại, Việt Nam cần đón được trên 650.000 khách.
Để "về đích", theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, trước mắt cần khai thác tốt các thị trường đã kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Australia, ASEAN. Sau đó, chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng như Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông.
Tổng cục Du lịch sẽ kết nối, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp, hãng hàng không và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch triển khai Chương trình “Live fully in Vietnam” theo 5 nội dung. Đó là:
Thứ nhất, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Tây Âu, Australia và New Zeland.
Thứ hai, tham gia tổ chức gian hàng du lịch Việt Nam và các hoạt động xúc tiến tại hội chợ du lịch quốc tế Nhật Bản (tại Nhật Bản vào tháng 9/2022) và hội chợ Du lịch thế giới (tại London vào tháng 11/2022).
Thứ ba, phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu, áp dụng cho các đường bay để cùng thu hút nhanh khách vào Việt Nam.
Thứ tư, tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí từ châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ; phát huy vai trò Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ kết nối lại doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác nước ngoài sau khi bị gián đoạn bởi Covid-19.
Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động marketing, chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ để tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, giải pháp xúc tiến, quảng bá du lịch cần hướng tới là tăng cường vai trò định hướng và điều phối công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Cơ quan quản lý du lịch quốc gia. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch; đặc biệt là phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vừa được đưa vào hoạt động.
Song song với đó, tăng cường kết nối và hợp tác công tư, thu hút tham gia của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không triển khai đồng bộ các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Còn theo Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh), để đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế, cần phải có giải pháp miễn thị thực.
Bà Vân cho rằng, xu hướng hiện nay của khách du lịch là chọn những điểm đến có độ mở cao về visa, quốc gia nào đáp ứng được vấn đề này sẽ có cơ hội thu hút khách quốc tế nhiều nhất. Hiện tại, Việt Nam mới miễn thị thực cho 13 nước ngoài khu vực ASEAN, trong khi đó, Thái Lan đang miễn cho 65 nước và miễn tới 60 ngày cho nhiều lần nhập cảnh.
Bà Trần Thị Vân nhấn mạnh: "Việt Nam cần tăng cường mở rộng chính sách của chúng ta thông qua chính sách miễn thị thực, nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày. Ngoài ra, cần đơn giản hóa trong việc cấp thị thực điện tử Evisa và thị thực tại các cửa khẩu".