Hà Giang, Miền du lịch xanh đầy tiềm năng (Bài IV)

Việc phát triển các hợp tác xã, các làng nghề sản xuất các nghề truyền thống trong các làng văn hoá du lịch cộng đồng đã được quan tâm đầu tư nhưng kết quả hoạt động kinh doanh chưa cao, điều này đặt ra lời giải bài toán truyền thông, làng nghề và du lịch.
cho-tinh-khau-vai-du-lich-ha-giang-kynghidongduong-003-1658456241.jpg
Lễ hội tại chợ tình Khau Vai

Chỉ có một số ít hợp tác xã hoạt động có hiệu quả như: Hợp tác xã dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ), Hợp tác xã dệt thổ cẩm dân tộc Pà Thẻn - thôn My Bắc (Quang Bình), một số làng nghề nấu rượu đã có thương hiệu như Ha Ía (Mèo Vạc), Thanh Vân (Quản Bạ), Thiên Hương (Đồng Văn), Nàng Đôn (Hoàng Su Phì)...

Sự tham gia của cộng đồng trong khai thác du lịch chưa được tổ chức và quản lý thích hợp, chưa có sự quan tâm thích đáng để đầu tư nâng cao năng lực tham gia cho cộng đồng. Vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát triển văn hoá truyền thống gắn với phát triển, khai thác, kinh doanh du lịch cộng đồng có nơi còn chưa được quan tâm đúng mức.

Về kinh nghiệm xây dựng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu. Các thiết bị phục vụ cần thiết và tối thiểu như thùng rác, nhà vệ sinh được đầu tư quá ít, nhiều nơi chưa có, không đủ để phục vụ khách du lịch và bảo vệ vệ sinh môi trường. Một số nơi, người dân đầu tư các công trình cơ bản phục vụ khách du lịch chưa đúng với yêu cầu và tiêu chuẩn theo quy định của ngành nên đã gây nên sự lãng phí tiền của. Việc bố trí sắp xếp nhà cửa chưa gọn gàng, khoa học, đón tiếp phục vụ khách còn lúng túng, sản phẩm du lịch còn nghèo nàn.

Công tác tuyên truyền và truyền thông về môi trường chưa được thường xuyên, nên người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch. Các đợt tập huấn mới chỉ dừng lại ở việc bồi dưỡng kiến thức du lịch cơ bản cho cộng đồng do vậy các kỹ năng mới chỉ là bước đầu hình thành mà chưa thuần thục. Kinh phí để triển khai xây dựng du lịch cộng đồng ở hầu hết các địa phương còn hạn chế, đầu tư hỗ trợ dàn trải, thiếu tính tập trung đột phá.

Những kiến nghị trên cùng các nội dung hoạt động du lịch, dịch vụ gắn liền với thế mạnh của tỉnh là du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch tìm về cội nguồn đã được Báo, Đài Truyền hình chú trọng thường xuyên trong công tác tuyên truyền. Có nhiều ảnh, phóng sự ảnh, video của truyền hình mạng giới thiệu vẻ đẹp, sức cuốn hút của phong cảnh Hà Giang; Nhiều bài viết về những nội dung cần tìm hiểu, khám phá, về Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, về những địa danh: Đường Hạnh phúc, Cổng trời, Núi Đôi, Cột cờ Lũng Cú, Dinh Nhà Vương, Mã Pí Lèng, Chợ tình Khau Vai, sông Nho Quế...; rồi Khu nghỉ dưỡng Panhous, Đèo Gió, Bãi đá cổ, Cổng trời phía Tây gắn liền với danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì...

867d66c7dd5354c92cf44c974f958484-800x450-1658456341.jpg
Bể bơi trên đỉnh núi ở bản Mông (HMông Villege)

Cho đến một thoáng Bắc Quang, Quang Bình yêu thương, Bắc Mê mời gọi, Vị Xuyên quê em và thành phố trẻ Hà Giang đều đã xuất hiện trên Báo Hà Giang. Vẻ đẹp kỳ thú của mỗi nơi đem lại sự trải nghiệm sảng khoái, phấn khích khác nhau thông qua những bài viết tốt, những bức ảnh đẹp, những đoạn clip hay của Báo Hà Giang đã thực sự tạo nên sức lan tỏa, cuốn hút du khách trong nước và Quốc tế đến Hà Giang ngày một đông hơn, nhiều hơn trong những năm gần đây.

Khách đến tham quan, du lịch Hà Giang hiện có nhiều loại hình khác nhau: Đi đoàn đông thực hiện theo các tua của Công ty Du lịch Hà Giang và các Công ty Du lịch trong nước, Quốc tế; đi theo nhóm, tổ, gia đình, cá nhân vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần; phượt tự do của các bạn trẻ học sinh, sinh viên, khách Quốc tế.

Khách có thể đăng ký trước theo tua, tuyến, nhưng có rất nhiều người đi phượt tự do, du lịch khám phá, du lịch sinh thái cả đoàn hoặc một vài nhóm lang thang, hăm hở tìm đến các địa chỉ du lịch của Hà Giang mà trước khi đi, họ đã tìm hiểu kỹ lưỡng qua Báo Hà Giang thường ngày và Hà Giang online, Du lịch online, qua các tờ rơi hướng dẫn địa chỉ đỏ về du lịch của cực Bắc Hà Giang.

Đến Hà Giang có thể bắt gặp du khách say sưa chụp ảnh trên những cánh đồng hoa tam giác mạch dưới chân Cột cờ Lũng Cú, hay ngạc nhiên ngắm nhìn kiến trúc độc đáo của dinh nhà Vương. Đến Hà Giang cũng có thể bắt gặp du khách choáng ngợp trước sự hùng vĩ của Cao nguyên đá, hoặc thấy mình thật nhỏ bé khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng phóng tầm mắt ngắm nhìn những dãy núi trập trùng tiếp nối trải rộng ra xa tít.

 Đến Hà Giang còn có thể bắt gặp du khách lặng ngắm những vì sao nhấp nháy sâu dưới dòng Nho Quế uốn lượn quanh chân những ngọn núi đẹp lạ lùng với muôn dáng vẻ và, họ hẹn nhau sẽ đi chụp ảnh Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì và đến Đèo Gió, Bãi đá cổ Xín Mần... Đến Hà Giang còn có thể thấy du khách không đăng ký được phòng nghỉ trong những thời điểm diễn ra Chợ tình Khau Vai, mùa hoa Tam giác mạch mặc dù du khách gọi điện đặt trước cả tuần, nhưng sau những dịp đó các khách sạn, nhà nghỉ lại rơi vào tình trạng quạnh hưu, vắng khách. Thực trạng đó cho thấy cần phải có một nghiên cứu, đánh giá thực tế, xác định chính xác giữa cung và cầu để có quy hoạch khoa học nhằm tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có mà không lãng phí tiền cua đầu tư.

img-5217-1658456853.jpg
Hà Giang, mảnh đất tột cùng phía bắc tổ quốc luôn thân thiện đón chào du khách

Với những tài nguyên du lịch độc đáo bước đầu đã được khai thác, Hà Giang đã trở thành một trong những lựa chọn của du khách. Mục tiêu đầu tiên và cuối cùng của kinh doanh du lịch là du khách “hẹn gặp lại”, nhưng làm thế nào để du khách đến rồi sẽ trở lại và khi trở lại không chỉ có họ mà còn có thêm nhiều du khách mới? Đối với Hà Giang, đó chính là làm thế nào để có sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng, có dịch vụ đáp ứng với yêu cầu của du khách, để phát triển du lịch bền vững.

Nếu điều kiện cần và có trong hoạt động du lịch không đáp ứng, du khách chỉ đến một lần, điều đó cũng có nghĩa là ngành du lịch phát triển chưa bền vững. Nghị quyết đã có, kinh nghiệm đã có, nhưng phát triển theo hướng nào, lộ trình ra sao đòi hỏi ngành du lịch, các địa phương phải chủ động, có kế hoạch phát triển ứng với khả năng của mình.

Hà Giang với những danh thắng mới nghe tên đã đủ sức hấp dẫn, gọi mời như: Công viên địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn kỳ vĩ; Cột cờ Lũng Cú - điểm cực Bắc thiêng liêng; Khu di tích Nhà Vương một thời vàng son; Phố cổ Đồng Văn với kiến trúc nghệ thuật độc đáo; Cổng trời, Núi đôi Quản Bạ nên thơ; “Đệ nhất hùng quan” Mã Pí Lèng; Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ngút ngàn tầm mắt; Bãi đá cổ Nấm Dẩn bí ẩn; thác Tiên, đèo Gió…

du-lich-vung-cao-mua-nuoc-do-7-768x508-1658457003.jpg
Đến mùa nào Hà Giang vẫn có vẻ đẹp riêng

Những vườn chè cổ thụ mờ ảo trong màn sương, sức hút lạ kỳ của mùa hoa Tam giác mạch, không gian văn hóa đa sắc mầu của các chợ phiên, Di tích Lịch sử cách mạng Căng Bắc Mê, Tiểu khu Trọng Con... Bên cạnh đó là những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của vùng đất đa dân tộc gắn với các làng văn hóa du lịch cộng đồng: Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn; Lễ cấp sắc của người Dao; Tết của người La Chí, Chợ tình Khau Vai, cày trên nương đá; Lễ hội chọi trâu, đấu ngựa, chọi dê...

Tiềm năng du lịch đã được chính những du khách đến với Hà Giang khẳng định, tuy nhiên, khái niệm về làm du lịch, phát triển du lịch một cách bền vững hình như vẫn chỉ là chuyện của ngành chuyên môn. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn chưa chặt chẽ, người dân thờ ơ, đứng ngoài cuộc trong khi chính cuộc sống của họ là chủ thể trong sản phẩm du lịch cộng đồng mà Hà Giang cần hướng đến.

Để không lặp lại những câu chuyện bi hài vào những mùa du lịch cao điểm như mùa hoa Tam giác mạch, Chợ tình Khau Vai, mùa lúa ruộng bậc thang chín vàng... khách du lịch ngủ vạ vật trên Phố cổ Đồng Văn vì các cơ sở lưu trú đã kín chỗ, nhà hàng cũng không thể đáp ứng được nhu cầu thực khách; giá vé nhà xe tuyến Hà Nội - Hà Giang tăng, dịch vụ cho thuê xe máy tự phát không được kiểm soát, những điểm dừng chân vọng cảnh thưa thớt, sản phẩm du lịch đơn điệu... cần có sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, địa phương để đưa ngành du lịch Hà Giang tiến xa hơn trên con đường phát triển.

260450672-435924611381146-305103557204961092-n-1658457272.jpg
Hãy đến Hà Giang ít nhất một lần để biết thế nào là cùng trời, cuối đất

Tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh và mời gọi đầu tư, đề ra chính sách kích cầu phù hợp để khuyến khích sự phát triển du lịch. Bên cạnh đó, khi Cao nguyên đá Đồng Văn đang đứng trước thời điểm tái đánh giá của Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu, thì ngoài việc đẩy mạnh hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Giang định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040, cần bắt tay ngay vào những công việc cụ thể.

 Hoàn thành trùng tu khu Phố cổ Đồng Văn, quy hoạch các điểm du lịch; trồng cây, tái tạo môi trường cảnh quan ở những khu vực đang khai thác khoáng sản, thủy điện trên Cao nguyên đá; tiếp tục mời các nhà khoa học nghiên cứu, phát hiện thêm những di chỉ khảo cổ học tiềm ẩn; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; bảo tồn phát triển văn hóa, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo; bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong ngành du lịch, mở các lớp tập huấn nấu ăn, lễ tân, học tiếng nước ngoài để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch. Muốn thu hút được khách du lịch nước ngoài, cần phải biết họ cần gì, hy vọng gì khi đến với Hà Giang; đáp ứng được nhu cầu của du khách dựa trên thế mạnh của địa phương, nghĩa là đã làm du lịch thành công.

Du lịch, một ngành kinh tế đang mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều địa phương trong cả nước. Hà Giang muốn bắt kịp được với xu thế ấy dựa trên tiềm năng sẵn có của mình thì cần lắm cái “bắt tay” của nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch và người dân. Đến với du lịch Hà Giang là đến với miền xanh, rừng xanh, sông xanh, thực phẩm xanh… làm thế nào để không gian du lịch luôn thuần khiết, không rác rưởi, không ô nhiễm và thiên nhiên vốn có luôn hiện hữu trong mỗi sản phẩm du lịch ở nơi này./.

Nguyễn Thị Dịu và Nguyên Hằng