Việt Nam - Điểm sáng phục hồi kinh tế sau dịch bệnh

Theo truyền thông nước ngoài, kinh tế Việt Nam đang phục hồi với tốc độ nhanh chóng khi các hoạt động kinh doanh đã sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19.

Trong khi tăng trưởng của một số nền kinh tế chủ chốt trên thế giới điều chỉnh giảm thì với kết quả kinh tế của Việt Nam quý II vừa qua đã củng cố thêm sự tin tưởng của các tổ chức quốc tế khi dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuần qua, báo chí quốc tế cũng đã có nhiều bài viết đánh giá cao sự phục hồi kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm.

Tờ Nikkei Asia ghi nhận sự khởi sắc trong xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may. Bài báo cho biết xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự kiến đạt mức cao kỷ lục là 22 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Kinh tế Việt Nam quý II tăng trưởng nhanh nhất trong 11 năm qua" là nhan đề một bài viết của hãng tin Channel News Asia. Bài viết trích nhận định của Ngân hàng Thế giới cho biết, kinh tế Việt Nam vẫn phục hồi mạnh mẽ bất chấp những bất ổn gây ra bởi cuộc chiến ở Ukraine, tình trạng phong tỏa ở Trung Quốc cũng như yếu tố lạm phát.

Trang DW (Đức) mới đây cũng đăng bài viết đánh giá hoạt động kinh tế sôi động của Việt Nam trong những năm gần đây là yếu tố thu hút sự chú ý của các công ty châu Âu.

Theo bài viết, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia châu Á không rơi vào tình trạng suy giảm kinh tế mạnh trong đại dịch COVID-19 trong năm 2020 và 2021. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo năm 2022, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng khoảng 5,5%. Kết quả hoạt động kinh tế của Việt Nam trong và sau đại dịch đã thu hút sự chú ý của một số công ty lớn của châu Âu.

ktvn-1656851742400955852500-1656856135.jpg
Các hoạt động kinh doanh của Việt Nam đang sôi nổi trở lại sau đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa - Ảnh: VGP.

Ông Daniel Müller, Giám đốc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương của Đức cho biết: "Hiện có vẻ như các công ty quy mô vừa đang ngày càng nỗ lực để xâm nhập vào thị trường Việt Nam".

Phát biểu với DW, ông Raphael Mok, đứng đầu khu vực châu Á tại Fitch Solutions, cho rằng Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Việt Nam cũng đang đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng.

Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã phê chuẩn hiệp định thương mại tự do vào năm 2020, trong đó có hiệp định đầu tư, Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Thương mại song phương đã tăng lên 49 tỷ euro vào năm 2021, tăng mạnh so với mức 20,8 tỷ euro vào năm 2012, năm bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Một báo cáo của Germany Trade & Invest, một nền tảng nghiên cứu và tư vấn, chỉ ra rằng các hiệp định này cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động mua sắm công tại Việt Nam.

Bà Dorsa Ti Madani - chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá: "Số liệu tăng trưởng của Việt Nam là rất ấn tượng. Điều này có được là nhờ cả hai yếu tố đóng góp chính vào tăng trưởng: Một là thành tích xuất khẩu của Việt Nam rất vững chắc; thứ hai là tiêu dùng nội địa đang có được sự phục hồi lớn khi nền kinh tế đã hoàn toàn trở lại với cả các hạn chế về dịch COVID-19 được dỡ bỏ".

"Cho đến nay, thành tích của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Lĩnh vực sản xuất trong nước tương đối ổn định. Chính phủ đã đưa ra chính sách đúng đắn trong việc cắt giảm một số loại thuế, đặc biệt là thuế môi trường đối với nhiên liệu để duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát", ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định.

Trong bức tranh kinh tế khởi sắc đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là một điểm sáng. Trong bài viết với nhan đề "Kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ", trang Borneo Bulletin cho biết 5 tháng đầu năm nay, dòng vốn FDI tại Việt Nam ước đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng theo bài viết, Việt Nam cũng cần những nỗ lực để tiếp tục tăng sức cạnh tranh, giữ chân các dòng vốn FDI.

Anh Vân (t/h)