Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng về đổi mới sáng tạo và quản lý vốn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: Đổi mới tư duy hay đổi mới sáng tạo, hội nhập cũng phải căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đất nước. Huy động nguồn lực cần bắt nguồn nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa.

Sáng nay 23/11, tại Kỳ họp thứ 8, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự án: Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Công nghiệp công nghệ số. Góp ý vào dự thảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng cần thể chế rõ trong các quy định.

thu-tuong-hop-quoc-hoi-3-1732348910.jpg
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.(Ảnh Quốc hội)

Đây là hai dự án luật rất quan trọng trong bối cảnh nước ta

Trước khi đi vào phân tích nhiều vấn đề cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hai dự án luật rất quan trọng trong bối cảnh nước ta, nên tinh thần phải thay đổi tư duy, bởi tư duy là nguồn lực, là tầm nhìn, là động lực. Luật phải quy định rõ ràng cái nào đúng mà làm, cái nào sai mà tránh, từ đó khuyến khích đổi mới sáng tạo. Đổi mới để bay cao, sáng tạo mới vươn xa, hội nhập mới phát triển.

Trong quá trình góp ý vào các dự án luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh đến việc phải khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, Việt Nam là một nước đang phát triển, có quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn với GDP Việt Nam đứng thứ 34 thế giới. Nền kinh tế đang chuyển đổi. Sức chống chịu với những cú sốc ở bên ngoài còn hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước.

“Đây là nội dung hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong giai đoạn tới. Kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm nói là xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no. Điều đó đòi hỏi đổi mới tư duy vận hành, quản lý dựa trên tổng kết thực tiễn, cái gì tốt thì phát huy, cái gì chưa được thì sửa ngay, cái nào còn vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua thì mới phát triển”, Thủ tướng nói.

thu-tuong-hop-quoc-hoi-2-1732348960.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên họp. (Ảnh Quốc hội)

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, đổi mới tư duy hay đổi mới sáng tạo, hội nhập cũng phải căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể đất nước. Huy động nguồn lực cần bắt nguồn nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa. Nội lực đó phát huy từ cơ chế, chính sách, nên cơ chế, chính sách được ban hành đúng trong hoàn cảnh cụ thể, xu thế thì nhân đôi, nhân ba sức mạnh, làm chuyển đổi trạng thái, xoay chuyển tình thế “như khoán 10, khoán 100 giúp từ thiếu gạo thành xuất khẩu gạo ngay”.

Liên quan dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa được trình Quốc hội, Thủ tướng cho rằng mô hình quản lý thì có nhiều, mỗi giai đoạn có yếu tố lịch sử và nhìn chung hoàn thành yêu cầu đặt ra trong bối ảnh, giai đoạn đó. Song mô hình hiện tại chưa ổn định và điều này cũng hiểu được do đất nước đang trong quá trình phát triển. Do đó, trong quá trình làm, nghiên cứu mở rộng dần với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, cái gì được thì giữ, cái gì không được thì loại.

“Tôi suy nghĩ hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính được. Không phải cơ quan hành chính mà can thiệp thì lại không đúng quy luật, tư duy và sự phát triển. Nên tuân thủ quản lý các doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, phù hợp điều kiện Việt Nam”, theo Thủ tướng.

Thủ tướng cũng nêu quan điểm, kế hoạch kinh doanh thì giao cho hội đồng quản trị (HĐQT) chịu trách nhiệm quyết định, làm sao bảo toàn và phát triển vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát và công cụ đó phải rõ để người ta sáng tạo.

Luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền để khuyến khích sự sáng tạo

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị luật phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đầu tư công thì theo luật đầu tư công. Còn vốn của tập đoàn, DN đầu tư vào đâu thì HĐQT quyết định và chịu trách nhiệm chứ không phải đi xin cấp hành chính này kia.

“Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định cho thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Cứ đi xin hết chỗ này chỗ kia, không rõ ràng. Không để chạy theo kiểu hành chính. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”, Thủ tướng nói.

Do đó, dự thảo luật nên quy định quản lý tới DN dạng nào và tới người chịu trách nhiệm trực tiếp, còn lại để họ quản lý cấp dưới. Như Trung ương quản lý tỉnh, còn tỉnh quản lý huyện, huyện quản lý xã. “Chương trình mà Trung ương đi làm tận xã thì tắc, mà tắc là lãng phí, nên đưa cho tỉnh một cục, còn tỉnh quyết định phân bổ vào đâu, ai làm. Trung ương không làm thay tỉnh, tỉnh không thay huyện, huyện không làm thay xã. Tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Quản lý DN cũng cần theo thế, không can thiệp sâu vào F3, F4”.

thu-tuong-hop-quoc-hoi-1-1732348885.jpg
Góp ý vào dự án luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhiều vấn đề quan trọng cần thể chế rõ trong các quy định.(Ảnh Quốc hội)

Dẫn chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, Thủ tướng nêu lý do phải quyết tâm hoàn thành trong năm 2025 vì cùng nhau làm. Trên chỉ hỗ trợ, như mức tiền 60 triệu đồng, còn lại ai có gì góp nấy. Có địa phương ông đi phát động vào tháng 4 và đến tháng 9, tháng 10 quay ại kiểm tra thấy hiệu quả rất tốt. “Ngoài mức được hỗ trợ, họ kêu gọi anh em bạn bè thêm, giúp công làm nhà giá trị có khi đến 200 triệu đồng. Chứng minh phân cấp rất quan trọng, chính là tư duy, mà tư duy là nguồn lực”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc đánh giá doanh nghiệp phải tổng thể, không đánh giá từng việc. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn chứng, nhiều doanh nghiệp tư nhân hiện nay đang hoạt động rất tốt. Doanh nghiệp tư nhân không phải đấu thầu nhưng họ vẫn làm rất đúng trong khi chúng ta đấu thầu nhưng lại "quân xanh - quân đỏ" và rồi kỷ luật thì liên tục.

"Có cái cần đấu thầu, đấu giá nhưng có cái phải mở ra không gian sáng tạo, quyết định sáng suốt kịp thời, giải quyết những vấn đề cấp bách. Tình hình đặc biệt, khẩn cấp mà xử lý như bình thường thì không đúng quy luật tự nhiên, để xảy ra hậu quả khôn lường", Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách cần phải rà soát lại, cùng cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, từ thực tiễn tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức hiện nay với tinh thần phân cấp quản lý đúng quy luật thị trường, thiết kế để làm sao không tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khuyến khích đổi mới sáng tạo, không theo tư duy "không quản được thì cấm"./.

Bình Châu