Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; các Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng các Bộ, ngành liên quan, thành viên Ban Chỉ đạo, thành viên Tổ biên tập, Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban các vấn đề xã hội), lãnh đạo 5 địa phương vùng Tây Nguyên, các chuyên gia, nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá thực trạng việc tổ chức triển khai và kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và Kết luận số 12-KL/TW; dự báo tình hình quốc tế, trong nước thời gian tới tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng Tây Nguyên; xác định vị trí, vai trò, cơ hội, tầm quan trọng và ảnh hưởng của vùng Tây Nguyên đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và cả nước; cơ hội, thách thức, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trên cơ sở đó, ban hành Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng tình với những đánh giá, nhận định trách nhiệm, khoa học và giàu tính thực tiễn của các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận 12-NQ/TW, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc…
Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được quan tâm. Nhiệm vụ quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng. Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt thấp, xếp thứ 5/6 vùng, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phá cho phát triển. Rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; một phần do cơ chế, chính sách, đầu tư chưa tương xứng; thể chế chưa giải quyết hết những vướng mắc của Tây Nguyên. Quy hoạch phát triển địa phương và vùng chưa được xây dựng, thực hiện kỹ lưỡng. Tính tự lực, tự cường chưa được phát huy... Thủ tướng khẳng định, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, vị thế, uy tín của đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra những cơ hội, thách thức đối với vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước. Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; an ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.
Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng chỉ đạo tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc; phải nghiên cứu cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng, đặc biệt chú trọng ngành nông, lâm nghiệp và du lịch. Lấy phát triển nông lâm nghiệp là bệ đỡ với các sản phẩm đặc thù, có chất lượng, giá trị cao; du lịch là đột phá gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa, phát triển các điểm đến du lịch quốc gia và đô thị du lịch quốc tế.
Nâng cao tiềm lực phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát huy nguồn lực đất đai trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với vị trí chiến lược của Tây Nguyên với cả nước; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do; xử lý có hiệu quả quản lý đất đai các nông-lâm trường. Thủ tướng nhấn mạnh nếu trước đây xác định Tây Nguyên cần "ổn định để phát triển" thì nay ưu tiên cho phát triển để góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh và thúc đẩy đối ngoại; thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình./.