Vì sao giá thép lại giảm mạnh trong mùa cao điểm xây dựng?

Theo thường lệ, giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 là cao điểm của mùa xây dựng, kéo theo nhu cầu thép tăng lên. Tuy nhiên năm nay, quy luật ấy lại đảo ngược khi trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong nhiều ngày qua, thị trường giá thép cuộn CB240 tại thị trường 3 miền Bắc, Trung, Nam dao động từ 17.570 đến 18.670 đồng/kg. Còn với thép thanh vằn D10 CB300 dao động từ 17.780 cho tới 18.870 đồng/kg. Tính riêng trong tháng 4, bán hàng thép xây dựng giảm sâu tới 39% so với tháng 3 và giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo tập đoàn Hòa Phát cho biết, lượng tiêu thụ thép xây dựng tháng 4 đạt gần 300.000 tấn, giảm 30%, chủ yếu do lượng hàng tồn kho tại các đại lý từ tháng trước đó vẫn còn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu vẫn tăng 28% so với tháng 4/2021 và đạt 93.000 tấn.

Hiện tại, Hoà Phát vẫn đang dẫn đầu thị phần thép xây dựng của Việt Nam với 35,9%. Việc bán hàng trong nước chậm khiến các nhà máy đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường.  

gia-thep-tang-16187266643921971688640-1653280337.jpeg
Ngay cả khi trong mùa xây dựng, giá thép cũng liên tục giảm do lượng hàng tồn kho tại các đại lý còn nhiều. Ảnh minh hoạ

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc giá nguyên vật liệu giảm liên tục từ cuối tháng 3 đến nay khiến thị trường chững lại. Trong khi đó, các nhà phân phối đang tìm cách giảm lượng hàng tồn kho nên lượng hàng xuất xưởng của các nhà máy giảm nhiều so với bình thường.

Giá thép xây dựng trong tháng 5 giảm 300.000 - 500.000 đồng/tấn so với cuối tháng 4, trung bình quanh mốc 18,25 - 18,5 triệu đồng/tấn tuỳ chủng loại. Giá phôi nội địa giảm 500.000 - 800.000 đồng/tấn xuống 16,2 - 16,5 triệu đồng/tấn. Thậm chí có thời điểm giá thép để mất mốc 18 triệu đồng/tấn xuống còn 17,8 triệu đồng/tấn. Chỉ trong vòng 3 ngày, giá thép xây dựng ghi nhận 2 lần giảm giá, theo dữ liệu từ Steel Online.

Tính đến hết tháng 4, tồn kho thép xây dựng tại các nhà máy khoảng 900.000 tấn, cao gần gấp đôi với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, nguồn nguyên liệu có thể chủ động trong nước mới chỉ đáp ứng được 20 - 30% nhu cầu của các nhà máy thép. Do đó, giá thép trong nước neo khá chặt so với diễn biến của giá nguyên liệu thế giới.

Sản lượng thép xây dựng cũng ghi nhận mức giảm tới 18,19% so với tháng 3 xuống 1,14 triệu tấn.

Khác với thời điểm đầu năm khi những lo ngại về đứt gãy chuỗi cung ứng và căng thẳng giữa Nga - Ukraine đẩy giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thép liên tục tăng cao, thời điểm hiện tại giá cũng đã hạ nhiệt.

Với tình hình bán hàng giảm sâu, khá chậm nên các nhà máy đẩy mạnh xuất khẩu ra các thị trường. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đang tìm thêm và đẩy mạnh xuất khẩu sang Campuchia, Hong Kong, Canada, Mỹ... do Trung Quốc đang trong tình trạng dư cung thép.

Trong tháng 4 và nhiều tháng trước đó, nhu cầu thép tại Trung Quốc cũng chững lại do nước này phải ứng phó với đại dịch COVID-19. Ngay cả những nhà máy thép nội địa của nước này cũng phải giảm sản lượng vì nhu cầu thấp khi nhiều công trình phải hoãn lại do lệnh phong toả. 

Theo Reuters, hoạt động của các nhà máy thép Trung Quốc trong tháng 3 giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm do các công trình xây dựng đình trệ. Một số ý kiến cho rằng các nhà máy thép đã bỏ lỡ mùa xây dựng cao điểm truyền thống diễn ra hàng năm. 

Cục thống kê Trung Quốc cho biết trong 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã sản xuất 336,15 triệu tấn thép, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến tồn kho thép tại các nhà máy của Trung Quốc còn nhiều và việc xuất khẩu thép của Việt Nam chững lại là điều dễ hiểu. 

Xuất khẩu thép xây dựng của Việt Nam trong tháng 4 giảm mạnh tới 44% so với tháng 3 và chỉ tăng nhẹ gần 5% so với năm 2021. Xuất khẩu suy yếu, tiêu thụ trong nước giảm nguyên liệu đầu vào cũng hạ nhiệt cùng lúc tạo áp lực lên giá thép trong xây dựng trong nước phải điều chỉnh.

Với tín hiệu giá thép xây dựng giảm được cho là tín hiệu tốt cho thị trường xây dựng khi mặt hàng này chiếm khoảng 20 - 30% chi phí các công trình.

Phương Ly (t/h)