Về xứ Nghệ đón Tết cùng người Thái

Những ngày cuối cùng của năm cũ, gác lại những ồn ào nơi phố thị, chúng tôi đã có dịp về với núi rừng miền Tây xứ Nghệ. Khi đất trời nơi đây đang chuyển mình để “tạm biệt” những cơn gió lạnh, những ngày rét buốt của mùa Đông để chào đón những tia nắng ấm, những cơn mưa phảng phất bất chợt của mùa Xuân.

Đây có lẽ là thời khắc đẹp nhất của bức tranh cảnh vật nơi này, khi nó đang được tô vẽ, điểm xuyết thêm những sắc màu tươi thắm của hoa mai, hoa đào nở rộ trên những ngọn đồi cao. Thời điểm này cũng là lúc đồng bào dân tộc Thái xứ Nghệ tất bật, rộn ràng chuẩn bị đón Tết.

2-1643856937.jpeg
Múa sạp tại Lễ hội Hang Bua. Ảnh minh hoạ

Gọi vía về ăn Tết

Tết của người Thái có những phong tục, những nét văn hóa độc đáo rất riêng đã được gìn giữ từ bao đời nay, và nó cũng là nét đẹp văn hóa vùng miền, là sự đa dạng phong phú của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Ở Nghệ An, người Thái hiện có khoảng 350 nghìn người, chủ yếu sinh sống ở các huyện vùng núi cao, biên giới như: Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn, Con Cuông... Trong nếp sống hiện đại, cộng đồng người Thái vẫn gìn giữ được những nét đẹp trong phong tục đón tết và tục gọi vía về ăn tết dịp cuối năm là một sinh hoạt tinh thần phổ biến. Nó khiến không khí ngày cận Tết thêm ấm áp, linh thiêng.

Ngày xưa, dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An không ăn Tết Nguyên đán như ngày nay mà theo phong tục ăn cơm mới vào khoảng thời gian giữa năm riêng của mình. Ngoài lễ cúng bản (xên bản), cúng mường (xên mường), hàng năm, người Thái chỉ ăn Tết cơm mới (khẩu mớ) tổ chức vào tháng 7 lịch Thái (tháng Giêng âm lịch). Chỉ từ sau Cách mạng tháng 8/1945 trở lại nay, đồng bào Thái mới ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh. Thậm chí, các nhóm Thái ở 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn mãi sau những năm 60 của thế kỷ trước mới ăn Tết Nguyên đán. Riêng nhóm Thái Tày, Mường thì từ lâu vừa cúng bản, cúng mường, ăn Tết cơm mới, vừa ăn Tết Nguyên đán theo người Kinh.

Gọi Vía về ăn tết là tập tục tốt đẹp, được lưu truyền từ đời này qua đời khác của người Thái. Không phải người nào cũng làm lễ gọi vía được, mà chỉ có các thầy mo hoặc những người lớn tuổi trong gia đình qua quá trình quan sát, học hỏi nhiều năm mới thực hiện được nghi lễ này. Trong quan niệm tâm linh của người Thái xứ Nghệ, trước khi thành thầy mo, người tập sự nhất thiết phải học trước một bài cúng vía. Gọi vía về ăn Tết thường là bài cúng đầu tiên được những người mới học làm thầy mo lựa chọn vì dễ thực hành và người truyền thụ thường là một thầy mo có tiếng trong vùng. Các lễ vật để dâng lên làm lễ gọi vía cũng được lựa chọn hết sức kỹ càng, phải là con gà trồng to nhất trong chuồng, con cá đẹp nhất trong ao. Khi bắt đầu nghi lễ gọi vía, các thầy mo thường đứng ở những nơi đầu làng, hay các đường đi vào bản…Trong không khí bản làng buổi chiều ngày cuối năm, chúng ta không khó để bắt gặp đâu đó thấp thoáng bóng những thầy mo đứng ở các ngã rẽ trong bản gọi vía về ăn Tết là một hình ảnh thường gặp ở vùng cao xứ Nghệ. Tục gọi vía là một phong tục tốt đẹp của người Thái, nó vừa thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, cũng là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn, tôn kính với những người đã khuất. Sau lễ gọi vía ngoài trời, buổi lễ cúng được tổ chức trong nhà để mời vía về ăn cỗ.

Gội đầu ngày 30 Tết để “Gột rửa” những điều không may của năm cũ

Điều đặc biệt trong dịp chuẩn bị chào đón năm mới là gia đình sum vầy quây quần bên nhau cùng sửa soạn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn, mâm cỗ cho những ngày tết kéo dài. Ngày 30 Tết, theo tục lệ, tất cả các thành viên trong gia đình đều đi gội đầu. Nước đối với người Thái là mang đến sự tốt lành, thịnh vượng, nuôi sống muôn loài. Tục lệ này mang ý nghĩa “ tống cựu nghênh tân”, tống tiễn những điều không may mắn trong năm cũ cho trôi theo dòng nước, đồng thời nghênh đón niềm vui, hạnh phúc trong năm mới sắp đến. Tiếp theo đó là lễ mặc áo váy mới. Đối với phụ nữ, trang phục váy áo sẽ có màu sắc sặc sỡ hơn ngày thường và đeo thêm một số đồ trang sức khác. Cuối cùng, các thành viên trong gia đình cùng bắt tay vào công đoạn chuẩn bị mâm cỗ ngày Tết.

Người Thái lấy thủ và bốn chân lợn làm đồ cúng, cùng với đó là những món ăn và các loại bánh truyền thống như thịt giàng, bánh chưng… Mâm cúng thường có từ 2-3 mâm, mâm đặt trên cao là để cúng tổ tiên nhà chồng, còn mâm thấp hơn cúng tổ tiên nhà vợ, mâm thứ ba là cúng các thần trong nhà như thần bếp, thần thổ dưới chân cầu thang và những vong hồn khác. Bữa cơm Tết của người Thái có một món không thể thiếu, đó là cá, với các món nướng, chua, khô. Con cháu cùng quây quần bên mâm cỗ Tết, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ nói những lời chúc tốt đẹp, mong con cháu gặp nhiều may mắn. Người Thái kiêng vứt lá dong xuống gậm sàn, kiêng quét nhà vào ngày mùng Một Tết.

Thức trắng trong đêm Pồng Cháy đón chào người ở Đẳm Chào trở về!

Tết của người Thái ở huyện Tương Dương còn có tục đón giao thừa “Pồng Cháy, kháy hoọng”. Tức là đêm đó mọi người sẽ không ngủ, đèn trên bàn thờ không được tắt, hương nhang không được tàn. Vì họ tin rằng: khi đã làm lễ gọi vía về ăn tết thì các hồn, vía sẽ lưu lại bàn thờ để cùng đón tết với cả gia đình. Đặc biệt đêm giao thừa là thời khắc quan trọng nhất nên họ sẽ thức trắng đêm để cùng đón năm mới. Cả nhà ngồi quanh bếp lửa, làm các loại bánh trái như bánh ít, bánh rán, đồ cá, moọc… Đúng 12 giờ đêm Giao thừa cũng chính là lúc mà các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ ở Đẳm Chào trên mường trời tề tựu đông đủ tại gian Hóng trong nhà. Vì thế, trong đêm giao thừa, con cháu trong nhà phải túc trực, đánh chiêng trống chào đón;

… hoặc đơn giản là cùng chuyện trò với nhau, thỉnh thoảng con cháu đánh cồng chiêng báo hiệu giờ giao thừa sắp đến. Sáng mồng 1, các gia đình sẽ ra suối lấy nước mát về mong may mắn cả năm.

Ở một số vùng, người Thái vẫn giữ phong tục đón tết từ xa xưa của tổ tiên như người Thái Khăng ở huyện Kỳ Sơn. Họ sẽ không tổ chức đón tết chung với Tết Nguyên đán của người Kinh mà ăn Tết vào rằm tháng 7 hàng năm; hay các lễ hội ném còn, múa Lăm Vông bên chum rượu cần trong đêm giao thừa…

Năm mới cũng là dịp để bà con khắp làng trên bản dưới của đồng bào Thái cùng quây quần bên nhau nhìn lại những thành quả của 1 năm lao động sản xuất và hòa mình trong không khí lễ hội đông vui, rộn ràng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ bắt đầu diễn ra từ ngày mồng 1 Tết cho tới mồng 10. Từ già đến trẻ cùng nhau tham gia các tiết mục nhảy sạp, ném còn, khắc luống, múa hát lăm vông, cồng chiêng… và thưởng thức món ngon truyền thống, mời nhau những chén rượu nồng, chúc nhau sức khỏe, thịnh vượng và an khang. Đặc biệt, những ngày này, mọi người đều quan tâm đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với hàng xóm, láng giềng, bạn vè và người thân trong gia đình. Họ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Mọi người đều vui mừng, hồ hởi trong không khí ấm áp của mùa xuân và rất kỵ to tiếng vì sợ sẽ bị “dông” cả năm.

Dù là người Thái ở địa phương nào, dù đón Tết trước hay chung với Tết Nguyên đán thì những ngày này đối với đồng bào Thái vẫn mang ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, trang trọng. Người Thái nói riêng và tất cả các dân tộc Việt Nam nói chung thì ngày Tết là một dịp vô cùng trọng đại, là dịp để sum vầy, đoàn tụ gia đình sau một năm tất bật với cuộc sống mưu sinh. Một mùa Xuân nữa lại về trên khắp bản làng xứ Nghệ, những chùm hoa trạng nguyên đang đua nhau khoe sắc cùng hoa đào, hoa mận trên khắp núi rừng…Tạm biệt vùng những vùng quê yên bình, những núi rừng xanh thẳm, chúng tôi trở về thành phố để chuẩn bị đón tết cùng gia đình, nhưng những ký ức về ngày xuân vui vẻ, đầm ấm, những phong tục độc đáo, những lễ hội rộn ràng với cồng, chiêng, khèn, sáo sẽ còn đọng lại mãi trong mỗi người.

QUỐC CƯỜNG