Ngày tết nói chuyện ứng xử

Con người sống trong cộng đồng ắt là phải ứng xử. Đó là việc xử trí mọi việc, mọi điều thích ứng với từng thời gian, không gian, đối tượng cụ thể.

Người càng có nhiều mối quan hệ xã hội như các chính khách, nhà ngoại giao, nhà quản lý, hoạt động xã hội… càng phải ứng xử nhiều. Quanh năm ngày tháng, phàm mở mắt ra, có người bên cạnh là con người ta đã phải ứng xử (Thậm chí lúc ngủ cũng phải quan tâm, ví như không thể cứ hồn nhiên cưa quậy bên cạnh người đang ngủ chung giường hoặc “hò kéo gỗ” nếu trong phòng có người khác). 

Đến những dịp Lễ, Tết, đặc biệt là ngày Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc lại càng phải quan tâm đến ứng xử. Con cháu ở mọi nơi tìm về ông bà, cha mẹ, kính dâng những món quà cùng tấm lòng thành kính của mình, quây quần trong gia đình nói chuuyện vui vẻ, đầm ấm, thắp nén nhang khấn tổ tiên. Người trên độ lượng với người dưới, bỏ qua mọi điều không hài lòng trong năm. Người dưới hết lòng kính yêu, quan tâm đến người trên… Đó là ứng xử vậy.

Xưa nay, các cụ ta vẫn dùng một từ thật nôm na, dễ hiểu là ăn ở. Trong suy nghĩ truyền thống của ông cha, ứng xử đẹp, có văn hóa là phải biết mọi nhẽ ăn, nhẽ ở, là có trước, có sau, “tiền hậu như nhất”, là “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, là biết “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

Người biết ứng xử là biết ăn ở chu đáo, thủy chung nghĩa tình, hào hiệp, không thể là kẻ “qua cầu rút ván”, “ăn cháo đá bát”, cũng không “đâm bị thóc, chọc bị gạo”, “xóc nhọn hai đầu”, càng không “ném đá giấu tay”, “gắp lửa bỏ tay người”. Trong kho tàng văn hóa dân gian, có rất nhiều câu thành ngữ, ngạn ngữ đúc kết kinh nghiệm ứng xử của ông cha. Đó là thứ văn hóa cao nhất, hơn tất cả mọi văn hóa, bởi nó là sự biểu hiện thái độ, quan niệm sống giữa người với người trong cộng đồng.

Ngày Tết, người Việt Nam có thói quen nhớ về tổ tiên, cội nguồn, bộc lộ lòng biết ơn đối với những người đã có công giúp đỡ, mang may mắn đến cho mình. Chút quà về quê dâng lên bàn thờ Tổ, mang lễ vật đến tạ ơn những người mình biết ơn chính là biểu hiện cụ thể của tập quán rất đẹp ấy. Đó thực sự là những ứng xử rất có văn hóa. Nhưng nếu ai đó lợi dụng điều này để lái sang chuyện mua bán nhằm trục lợi thì đã đi ngược lại truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Không phải vô cớ mà Tết năm nào, Chính phủ cũng ra những chỉ thị, thông tri nghiêm cấm việc lấy tiền công làm quà cáp đi biếu xén. Đó thực chất là hành vi hối lộ nhằm vào những mưu lợi cá nhân. Đó không phải là ứng xử đẹp vì nó phản đạo lý, bởi ở đây không có những tình cảm chân thành, lòng biết ơn thực sự, mà là cuộc mua bán giữa kẻ trao và người nhận - đôi bên cùng có lợi.

tiep-khach-sang-mung-1-tet-1643693438.jpeg
Ảnh minh hoạ

Tất nhiên, không phải mọi việc tặng quà cấp trên đều như vậy mà thực sự cũng có những mối quan hệ đẹp. Nhưng ở đây rất dễ có sự ngộ nhận và sự cố tình ngụy biện cho những hành vi ngoài tình cảm thực sự của con tim. Một người thành đạt thăm lại thày giáo cũ dạy mình từ lúc bé - người đã dìu dắt những bước đi đầu tiên cho mình đến với kiến thức, cuộc sống - nay đã già yếu thì dù có biếu thày bao nhiêu quà cáp giá trị cũng chỉ có thể hiểu đó là một ứng xử thật đẹp đẽ, quý hóa. Nhưng nếu món quà ấy lại không phải giành cho thày mà là giành cho một vị cấp trên có quyền lực lớn thì dù có chân thành đến đâu, người ta cũng khó tin.

Tâm lý người Việt Nam là thế. Đó là nét đẹp của truyền thống trọng nghĩa khinh tài.(Tài nói ở đây là tài chính, tiển bạc, chứ không mang ngghĩa tài năng, trí tuệ). Dân tộc ta vốn có nhiều cái trọng: Trọng nghiã, trọng tình, trọng thị, trọng nhân, trọng đức, trọng văn. Tinh hoa tiêu biểu nhất của người Việt Nam hội tụ đầy đủ ở Chủ tịch Hồ Chí Minh. Con người vĩ đại này trước khi là lãnh tụ, là chính khách, là danh nhân văn hóa thế giới, là nhà tư tưởng lớn… đã là một người Việt Nam tiêu biểu, bởi Người luôn nổi rõ mọi chuẩn mực của một văn hóa ứng xử đầy đủ nhất.

Tất cả những câu chuyện về Người từ những việc lớn lao liên quan đến vận mạng của dân tộc, đất nước, đến sự nghiệp cách mạng, tới mọi sinh hoạt đời thường đều toát lên một nghệ thuật ứng xử hoàn hảo, khó có thể thấy ở một chính khách thứ hai. Là lãnh tụ đứng đầu đất nước mà đến thăm cơ quan nào, Người cũng không quên xem xét cả những phương tiện sống tối thiểu nhất: Nhà vệ sinh, bếp ăn cho người lao động. Tới các địa phương, Người quan tâm tới những món quà: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”. Trung thu, dịp 1/6 năm nào Người cũng đến với các cháu thiếu nhi nơi này, nơi khác.

Tết đến, Người luôn nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể phải đặc biệt quan tâm đến các đối tượng: Người có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sỹ, người già cả, cô đơn, các trẻ em lang thang cơ nhỡ, rồi các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo. Ngay cả những tù nhân trong trại giam, Người cũng nhắc nhở phải lo Tết cho họ… Tất cả những cái đó là ứng xử vậy. Có lẽ Bác Hồ là lãnh tụ duy nhất trên thế gian này khi từ trần, tất thảy mọi người - từ em bé đến cụ già - đều khóc, như khóc người ruột thịt của mình qua đời.

Ứng xử đâu có là chuyện lớn lao, to tát gì mà là những biểu hiện thường ngày, có khi rất nhỏ, từ lời ăn tiếng nói đến mọi cử chỉ, hành vi. Một lời nói dễ lọt tai, một hành động khiến người khác có thiện cảm, quý trọng ta. Đó là nghệ thuật ứng xử. Đầu năm, một lời chúc chân tình, một sự lui tới thăm nhau và sẵn sàng giúp đỡ khi người khác cần. Đó là nghệ thuật ứng xử. Rủi ro thế nào đó, bên hàng xóm có chuyện buồn đúng ngày Tết (có người bị cấp cứu bệnh viện hoặc qua đời), mình biết sang chia buồn, sẵn sàng giúp đỡ vô tư những việc liên quan đến Tết, giữ sự yên tĩnh, bạn bè họ hàng có đến chơi cũng không quá vui, không tiệc tùng huyên náo.

Đó là mình biết ứng xử. Các bạn trẻ yêu nhau, biết phô diễn tình yêu tế nhị, kín đáo, đúng chỗ, đúng lúc, không khoe hạnh phúc của mình bên cạnh người cô đơn, bất hạnh. Rồi thì ngày đầu năm đến cơ quan hãy đừng bao giờ nhắc lại những chuyện dở năm qua mà hân hoan với tất cả mọi người, chứ không chỉ săn đón riêng cấp trên. Vân vân và vân vân. Đó cũng là ứng xử.

Xã hội ta đang phát triển mạnh trên con đường hội nhập và tăng trưởng nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa. Nhưng về phong hóa, các thuần phong mỹ tục thì vẫn phải quan tâm duy trì, giữ nếp tốt đẹp. Chỉ cần sao nhãng sẽ dễ thấy nguy cơ suy thoái. Ứng xử là một nét đẹp làm thăng hoa các mối quan hệ giữa người và người trong cộng đồng.

Nhưng xin lưu ý rằng: Đó không phải là những tiểu xảo mang tính khôn vặt, khéo mồm, dẻo môi, giả dối mà phải xuất phát từ lòng chân thành, thiện tâm kết hợp với sự khéo léo, thông minh, tế nhị. Vâng. Nghệ thuật ứng xử là phép cộng giữa lòng chân thành và sự khôn khéo. Thiếu một vế, không thể có nghệ thuật ứng xử ./.

Y Hoa