Nội dung trên được thông tin tại Hội nghị toàn thể ISG 2024 “Định hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành NN&PTNT giai đoạn 2026-2030” do Bộ NN&PTNT tổ chức.
Nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi được tập trung cho hạ tầng và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hội nghị là một sự kiện cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ NN&PTNT với các đối tác nước ngoài để cùng trao đổi, chia sẻ các định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác và tăng cường điều phối các nguồn lực góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2024, trong bối cảnh nguồn ODA và vốn vay ưu đãi có xu hướng giảm chuyển sang các loại hình đầu tư và hỗ trợ khác trong khi ngân sách Nhà nước vẫn chưa thể phân bổ đủ cho các nhiệm vụ của ngành NN&PTNT, Hội nghị sẽ tập trung vào mục tiêu xác định ưu tiên của các đối tác, nhà tài trợ, quan điểm chỉ đạo và định hướng ưu tiên sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi cho ngành nông nghiệp của Chính phủ trong giai đoạn tới, tạo tiền đề để xây dựng kế hoạch huy động, sử dụng hiệu quả nguồn ODA và vốn vay ưu đãi của ngành NN&PTNT.
Về việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của ngành NN&PTNT trong các giai đoạn gần đây và dự kiến trong tương những năm tới, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2016-2020, Bộ đã phê duyệt, ký kết 5 chương trình, dự án vốn vay được thực hiện với tổng giá trị là 826 triệu USD, bao gồm 662 triệu USD vốn vay. Tuy nhiên đến giai đoạn 2021-2025, liên quan đến vấn đề sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi chỉ dừng ở công tác đề xuất, chuẩn bị các dự án mới, chưa có Hiệp định vay nào được ký kết.
Tổng vốn vay dự kiến cho các dự án mới giai đoạn này đang chuẩn bị khoảng 2 tỷ USD. Nguồn vốn vay tập trung ở các đối tác như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), nguồn không hoàn lại đi kèm từ Hà Lan, Nhật Bản, Úc, Quỹ Khí hậu Xanh (GCF), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF),...
Danh mục dự án đang được chuẩn bị tập trung vào các lĩnh vực/nội dung như hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu; phát triển thủy sản bền vững; quản lý và tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu; phát triển xanh và giảm phát thải khí nhà kính; phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp; khôi phục và quản lý rừng phòng hộ ven biển; bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển; bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan; bảo tồn và quản lý hệ sinh thái có sự tham gia...
Đối với các khoản viện trợ không hoàn lại, hiện nay Bộ NN&PTNT đang có 112 dự án đang thực hiện (phê duyệt từ 2016 đến nay) với tổng số vốn không hoàn lại khoảng 300 triệu USD.
Về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2026-2030, ông Tuấn cho biết, dự kiến kế hoạch đầu tư công các dự án mới sử dụng vốn nước ngoài khoảng 2,16 tỷ USD, trong đó 161 triệu USD từ các dự án chuyển tiếp và 2 tỷ USD cho các dự án mới.
Các ưu tiên đầu tư gồm cơ sở hạ tầng nông thôn, thủy lợi, thủy sản, tái tạo rừng, phát triển chuỗi giá trị ngành nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Viện trợ không hoàn lại sẽ tập trung vào nghiên cứu khoa học, quản lý, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bảo tồn rừng.
Việt Nam vẫn rất cần nguồn vốn vay ODA để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh nhiều thách thức mới nổi
Theo đại diện ADB đồng tình với quan điểm rằng Việt Nam vẫn rất cần nguồn vốn vay ODA để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh nhiều thách thức mới nổi như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, xung đột địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng…
Lý giải sự sụt giảm về hiệu quả sử dụng cũng như huy động vốn vay ODA ở Việt Nam, Giám đốc ADB cho rằng, một trong những nguyên nhân đó là Việt Nam không còn trong diện nhận các nguồn vay ưu đãi. Dù vậy, nguồn vốn vay ODA với lãi suất thương mại vẫn thấp hơn tương đối so với các nguồn vốn vay từ quốc tế khác.
Về phía ADB, lãnh đạo tổ chức này cam kết sẽ có những thay đổi chính sách để giúp các nước có quyết tâm thích ứng và phòng, chống biến đổi khí hậu như Việt Nam dễ tiếp cận hơn với nguồn vốn vay.
Cùng với đó, ông đề nghị Chính phủ cũng như các Bộ, ngành nên có những tính toán chính xác hơn về vòng đời của các dự án vay ODA, từ đó có những quyết sách hợp lý để triển khai công việc chính xác, hiệu quả trong từng giai đoạn.
Trong khi đó, từ phía các tổ chức quốc tế, đại diện Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) mong muốn được hợp tác và tham gia vào các dự án liên quan tới các chương trình, dự án như Một sức khỏe, Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, tăng cường giám sát dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người…
Tại Hội nghị, Đại sứ Hà Lan Kees van Baar thông tin, phía Hà Lan chuẩn bị viện trợ không hoàn lại khoảng 60 triệu USD cho dự án rừng ngập mặn tại ĐBSCL. Tuy nhiên, cần có cam kết chính trị mạnh mẽ hơn, hướng tới hỗ trợ có hiệu quả.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB nhìn nhận, lĩnh vực nông nghiệp luôn là ưu tiên trong các chính sách của ADB. Hiện tổ chức đang có 4 dự án triển khai tại Việt Nam, với tổng vốn hơn 400 triệu USD, trong đó có 3 dự án hợp tác với Bộ NN&PTNT.
Trong quá trình làm việc tại Việt Nam, ông Chakraborty đánh giá, bên cạnh các vấn đề về canh tác, kỹ thuật, ngành nông nghiệp còn gặp vấn đề về khả năng tiếp cận vốn, sử dụng nguồn vốn vay sao cho hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ N&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong bối cảnh tình hình thế giới luôn biến động, ngày càng khó lường, phức tạp, nhanh chóng với tác động sâu rộng, mạnh mẽ hơn, nhất là trong một số năm gần đây, đã tác động rất lớn đến việc thực hiện và đạt được những mục tiêu, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn của Việt Nam, trong đó có ngành nông nghiệp. Sự biến động đó tạo ra những thách thức to lớn phải giải quyết, trong khi nguồn lực trong nước luôn chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển.
Với mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, năng suất chất lượng cao, bền vững, có sức cạnh tranh cao; gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải..., Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh nhu cầu hợp tác với các đối tác quốc tế rất lớn và đa dạng, không chỉ nhu cầu về vốn mà còn rất cần các hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực, kiến thức cho đầu tư phát triển giai đoạn tới. Đặc biệt, mong muốn ngành nông nghiệp có được những khoản vay ODA ưu đãi nhất để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cộng đồng và các tổ chức nông dân.../.
Về định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2026-2030, Bộ NN&PTNT sẽ căn cứ vào Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, tập trung nâng cao giá trị, hiệu quả và đa dạng hóa theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, đa lĩnh vực, từ “giá trị đơn lẻ” sang “tích hợp nhiều giá trị”. Định hướng phát triển “xanh” theo hướng sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Trong đó, ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi cho các nội dung: Cơ sở hạ tầng nông thôn; hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai; hạ tầng thủy sản (nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi biển); vệ sinh môi trường và cấp nước sinh hoạt nông thôn; tái tạo rừng, quản lý rừng bền vững, giảm phát thải từ mất rừng; cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi giá trị nông lâm thủy sản chủ lực gắn với tăng trưởng xanh, phát thải thấp; hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến kế hoạch đầu tư công các dự án mới sử dụng vốn nước ngoài giai đoạn 2026-2030 khoảng 2,16 tỷ USD.