Buổi làm việc với PV Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh có các cán bộ quận Tây Hồ gồm: Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND quận Tây Hồ, ông Nguyễn Minh Thành, Chuyên viên Văn phòng UBND quận Tây Hồ.
Trả lời về những bất cập về Hồ sơ mời thầu (HSMT) mà Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh phản ánh về Gói thầu mua sắm, lắp đặt trang thiết bị thuộc Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ "bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính" quận Tây Hồ (phê duyệt ngày 23/12/2022) đưa ra các tiêu chí có dấu hiệu trái quy định về đấu thầu như: HSMT nêu rõ thông tin về nhãn hiệu như “Dùng máy in nhiệt Epson tốc độ in cao”… Ngoài ra, HSMT cũng nêu rõ ràng yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm là “lắp ráp tại Việt Nam”; ông Nguyễn Minh Thành, Chuyên viên Văn phòng UBND quận Tây Hồ giải thích, mục đích Chủ đầu tư đưa vào HSMT yêu cầu như trên nhằm đảm bảo về chất lượng hàng hóa do nhà thầu cung cấp.
Ông Thành lấy ví dụ: Một chiếc thang máy cùng một thương hiệu, cùng cấu hình, nhưng nếu sản xuất ở Việt Nam giá khác, sản xuất ở Trung Quốc giá khác… Vì vậy, đưa ra yêu cầu về xuất xứ như vậy là để đảm bảo về chất lượng và giá thành.
Về giá cả các mặt hàng đang được rao bán thấp hơn giá trúng thầu. Ông Nguyễn Minh Thành cho rằng, thời điểm tổ chức đấu thầu diễn ra cách đây khá lâu. Giá thành và chương trình khuyến mại của mỗi sản phẩm tại mỗi thời điểm vì thế cũng có sự khác nhau.
Xét về nguyên giá (không tính giá khuyến mại) thì giá sản phẩm như Camera quan sát KBVISION – KXDAi2203N-EB xuất xứ Trung Quốc hay Đầu ghi hình Camera IP 16 kênh KBVISION – KX-DAI4K8216SN3P16 xuất xứ Trung Quốc đang được nhà thầu cung cấp thấp hơn so với nguyên giá… Tạp chí Doanh nghiệp & Kinh tế xanh cũng đã đăng tải khách quan hình ảnh đối chiếu thông tin sản phẩm nguyên giá và giá khuyến mại trên một số trang bán hàng.
Được biết, theo quy định tại Luật đấu thầu, Nghị định 63/2014 hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu hay Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ… bên mời thầu bị nghiêm cấm đưa vào HSMT các tiêu chí như: Nêu cụ thể về nhãn mác, xuất xứ. Các hành vi này bị cho là vi phạm trong đấu thầu và Chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu cùng phải chịu trách nhiệm.
Trong các quy định vừa nêu, Nghị định 63 cho phép bên mời thầu nêu nhãn mác tại HSMT nhưng chỉ áp dụng với trường hợp đặc thù, chưa được tiêu chuẩn hóa trên thị trường. Với trường hợp được nêu thì phải đưa vào cụm từ “hoặc tương đương” ở phía sau nhãn hàng, catalogue của sản phẩm…/.