Mục đích của việc đấu thầu là nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước, tìm ra nhà thầu có đủ trình độ, năng lực cung cấp hàng hóa, xây lắp, mua sắm… phục vụ công cuộc phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước.
Để đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện đấu thầu, đồng thời quy định hàng loạt hành vi bị nghiêm cấm...
Hệ thống văn bản Luật trong đấu thầu có nhiều, nhưng cốt lõi vẫn nằm ở Luật đấu thầu của Quốc hội, Nghị định số 63/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu…
Luật nghiêm cấm những hành vi nào trong đấu thầu?
Luật đấu thầu 2013 của Quốc hội quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
“1. Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
2. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.
3. Thông thầu, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Thỏa thuận về việc rút khỏi việc dự thầu hoặc rút đơn dự thầu được nộp trước đó để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu;
b) Thỏa thuận để một hoặc nhiều bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu cho các bên tham dự thầu để một bên thắng thầu;
c) Thỏa thuận về việc từ chối cung cấp hàng hóa, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc các hình thức gây khó khăn khác cho các bên không tham gia thỏa thuận.
4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;
b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
5. Cản trở, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa, quấy rối hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng đối với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;
b) Các hành vi cản trở đối với nhà thầu, nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
6. Không bảo đảm công bằng, minh bạch, bao gồm các hành vi sau đây:
a) Tham dự thầu với tư cách là nhà thầu, nhà đầu tư đối với gói thầu, dự án do mình làm bên mời thầu, chủ đầu tư hoặc thực hiện các nhiệm vụ của bên mời thầu, chủ đầu tư;
b) Tham gia lập, đồng thời tham gia thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đối với cùng một gói thầu, dự án;
c) Tham gia đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất đồng thời tham gia thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với cùng một gói thầu, dự án;
d) Là cá nhân thuộc bên mời thầu, chủ đầu tư nhưng trực tiếp tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc tham gia tổ chuyên gia, tổ thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư hoặc là người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu đối với các gói thầu, dự án do cha mẹ đẻ, cha mẹ vợ hoặc cha mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột đứng tên dự thầu hoặc là người đại diện theo pháp luật của nhà thầu, nhà đầu tư tham dự thầu;
đ) Nhà thầu tham dự thầu gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp do mình cung cấp dịch vụ tư vấn trước đó;
e) Đứng tên tham dự thầu gói thầu thuộc dự án do chủ đầu tư, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức nơi mình đã công tác trong thời hạn 12 tháng, kể từ khi thôi việc tại cơ quan, tổ chức đó;
g) Nhà thầu tư vấn giám sát đồng thời thực hiện tư vấn kiểm định đối với gói thầu do mình giám sát;
h) Áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư không phải là hình thức đấu thầu rộng rãi khi không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;
i) Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế;
k) Chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
7. Tiết lộ, tiếp nhận những tài liệu, thông tin sau đây về quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 7 và điểm e khoản 8 Điều 73, khoản 12 Điều 74, điểm i khoản 1 Điều 75, khoản 7 Điều 76, khoản 7 Điều 78, điểm d khoản 2 và điểm d khoản 4 Điều 92 của Luật này:
a) Nội dung hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước thời điểm phát hành theo quy định;
b) Nội dung hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, sổ tay ghi chép, biên bản cuộc họp xét thầu, các ý kiến nhận xét, đánh giá đối với từng hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
c) Nội dung yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất của bên mời thầu và trả lời của nhà thầu, nhà đầu tư trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
d) Báo cáo của bên mời thầu, báo cáo của tổ chuyên gia, báo cáo thẩm định, báo cáo của nhà thầu tư vấn, báo cáo của cơ quan chuyên môn có liên quan trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi công khai kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;
đ) Kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trước khi được công khai theo quy định;
e) Các tài liệu khác trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư được đóng dấu mật theo quy định của pháp luật”…
Nghị định 63/2014/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu quy định:
“Hồ sơ mời thầu không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa. Trường hợp không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ thì được nêu nhãn hiệu, catalô của một sản phẩm cụ thể để tham khảo, minh họa cho yêu cầu về kỹ thuật của hàng hóa nhưng phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô đồng thời phải quy định rõ nội hàm tương đương với hàng hóa đó về đặc tính kỹ thuật, tính năng sử dụng, tiêu chuẩn công nghệ và các nội dung khác (nếu có) để tạo thuận lợi cho nhà thầu trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự thầu. Chỉ yêu cầu nhà thầu nộp Giấy phép hoặc Giấy ủy quyền bán hàng của nhà sản xuất hoặc Giấy chứng nhận quan hệ đối tác trong trường hợp hàng hóa là đặc thù, phức tạp cần gắn với trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc cung cấp các dịch vụ sau bán hàng như bảo hành, bảo trì, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, vật tư thay thế”.
Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước cũng nêu rõ:
“Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”...
Ngoài ra, Thông tư số 09/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với lĩnh vực mua sắm hàng hóa cũng đưa ra nhiều hướng dẫn cụ thể đối chủ đầu tư khi thực hiện mời thầu.
Tại các văn bản Luật nêu trên, chỉ có Nghị định 63/NĐ-CP quy định trường hợp được nêu nhãn hiệu, catalo của sản phẩm cụ thể là “không thể mô tả chi tiết hàng hóa theo đặc tính kỹ thuật, thiết kế công nghệ, tiêu chuẩn công nghệ”.
Khi nêu, bên mời thầu phải ghi rõ cụm từ “hoặc tương đương” phía sau tên nhãn hiệu, catalo của sản phẩm…
Nguy cơ thất thoát tại Gói thầu mua sắm do UBND quận Tây Hồ làm Chủ đầu tư
Đối chiếu các quy định pháp luật về đấu thầu nêu trên với gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị phục vụ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tháng 12/2022 tại quận Tây Hồ thì thấy nhiều điểm bất thường như: Giá sản phẩm cao hơn nhiều trang thương mại điện tử đang bán thị trường, các tiêu chí tại Hồ sơ mời thầu trái quy định pháp luật… cần được chính quyền địa phương xem xét, kiểm tra lại.
Cụ thể: Theo Quyết định số 4747/QĐ-UBND ngày 23/12/2022 của UBND quận Tây Hồ Về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Gói thầu mua sắm, lắp đặt thiết bị, thuộc Dự án mua sắm trang thiết bị phục vụ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính do Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Hoàng Tuấn Anh ký. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu và Đầu từ NTC Việt Nam. Giá trúng thầu là 7.641.450.000 đồng.
Tại gói thầu này, nhiều mặt hàng có giá cao hơn so với nhiều trang thương mại điện tử, đại lý đang rao bán. Ngoài ra, hồ sơ mời thầu cũng xuất hiện thông tin trái quy định của Luật Đấu thầu.
Về giá sản phẩm:
Các mặt hàng có giá trúng thầu cao hơn nhiều so với thị trường như: Camera quan sát KBVISION – KXDAi2203N-EB xuất xứ Trung Quốc có giá trúng thầu là 8.350.000 đồng/ chiếc. Nhưng theo tham khảo, mặt hàng này đang có giá khoảng 3.650.000 đồng. Thậm chí, nhiều đại lý còn bán với giá rẻ hơn.
Tương tự, sản phẩm Đầu ghi hình camera IP 16 kênh KBVISION – KX-DAI4K8216SN3P16, xuất xứ Trung Quốc có giá trúng thầu là 45.580.000 đồng/ chiếc. Tuy nhiên, giá tham khảo tại một số trang thương mại đang bán trên thị trường chỉ khoảng 27.500.000 đồng/ chiếc.
Hay như sản phẩm Ổ lưu dữ liệu 4TB Westerm, xuất xứ Thái Lan có giá trúng thầu là 6.630.000 đồng, nhưng trên thị trường đang bán với giá 4.390.000 đồng.
Nhiều mặt hàng khác cũng nằm trong tình trạng tương tự khi giá trúng thầu cao hơn nhiều so với thị trường.
Về Hồ sơ mời thầu:
Luật Đấu thầu 2013 của Quốc hội đã quy định các hành vi bị cấm: “Nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế”.
Ngoài ra, Khoản a, Điều 5, Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định: “Khi xây dựng yêu cầu về kỹ thuật không được đưa ra các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng, đồng thời cũng không được đưa ra các yêu cầu quá cao dẫn đến làm tăng giá dự thầu hoặc làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu; không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ cụ thể của hàng hóa, kể cả việc nêu tên nước, nhóm nước, vùng lãnh thổ gây ra sự phân biệt đối xử”.
Tuy nhiên, tại mục 2.8, I, Chương V – Yêu cầu kỹ thuật của Hồ sơ mời thầu, phần “Tên hàng hóa” tại gói thầu nêu trên lại yêu cầu “Dùng máy in nhiệt Epson tốc độ in cao”…
Yêu cầu về nhãn hiệu hàng hóa cũng đồng thời được đưa ra tại mục 2.8, II, 2.8, III Chương V…
Tại mục 2.9, III, Chương V, yêu cầu kỹ thuật về Hệ thống tra cứu thông tin cảm ứng I3, bên mời thầu cũng đưa ra yêu cầu xuất xứ hàng hóa “Lắp ráp tại Việt Nam”. Yêu cầu này cũng đưa rại tại cùng hạng mục sản phẩm 2.9, VI, V… Chương V.
Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế Xanh đã liên hệ đến UBND quận Tây Hồ để tìm lời giải đáp cho những bất cập trên, nhưng chưa nhận được phản hồi chính thức từ phía Chủ đầu tư.